Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

LÃNH ĐẠO ACB & EXIMBANK TỪ NHIỆM: CHỨNG KHOÁN LẠI "ĐỎ SÀN" !



                      

(Bài viết đã đăng trên Báo công an Đà Nẵng phát hành ngày 21/9/2012)  
 
          Thông tin các thành viên HĐQT của 2 ngân hàng ACB và Eximbank từ nhiệm khiến cho các chỉ  số Vn-Index & HNX – Index một lần nữa lao dốc sau vụ “bầu Kiên”. Sàn chứng khoán tại TP HCM và Hà Nội đỏ rực, riêng chỉ số HNX-Index đang tiến đến mức thấp nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập. Hầu hết các cổ phiếu đã không đủ sức gượng dậy trước những “cơn sóng” nhân sự của ngành ngân hàng.

“Năm hạn” của những cổ phiếu ngân hàng !
            
            
            
  Sóng gió” đã nổi lên trên sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội ngay đầu ngày, sau thông tin các lãnh đạo cao cấp của 2 ngân hàng ACB và Eximbank từ nhiệm. Phiên lao đốc mạnh của các cổ phiếu ngân hàng đã khiến cho chỉ số trên sàn chứng khoán “rớt thảm” vào phiên sáng (Vn-Index mất -7,27 điểm & HNX-Index mất -1,27 điểm). Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 20/9, VN-Index tại TP HCM mất -5,27 điểm (-1,34%) còn 389,28, HNX-30 giảm 1.03%, còn 104,02 điểm. Tại Hà Nội, HNX-Index mất -0,65 điểm (-1,16%), còn 55,42 điểm, trước đó, chỉ số nàyđã rơi xuống 54.62 điểm, mức thấp nhất kể từ khi thành lập sàn giao dịch Hà Nội, VN-30 bị trừ tới 9,87 điểm, còn 2,16%, xuống mức 447,26 điểm. Ngoại trừ BVH được các nhà đầu tư ngoại “ưu ái” với giá trần, các cổ phiếu ngân hàng chìm ngập trong sắc đỏ và bị bán tháo không thương tiếc.
Tại sàn Hà Nội, sau “cơn lũ” chuyển nhượng thỏa thuận 34 triệu (19/9) cổ phiếu, ACB giao dịch nhỏ giọt theo đà giảm và “rơi”xuống 15.400 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu kể từ “sự cố” bầu Kiên,  tỉ lệ giảm gần - 40 % trong gần 1 tháng. Trong phiên sáng, ACB có thời điểm giao dịch ở mức 14.900 đồng/ cổ phiếu, ngày bên trên giá sàn. Cổ phiếu STB bất ngờ thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu ở giá 20.000 đồng/cp, đây là giao dịch thỏa thuận lớn nhất của STB từ đầu tháng 7 tới nay, cổ phiếu EIB (Eximbank) tiếp tục “dò đáy” ở mức 13.300 đồng/cổ phiếu. Một giao dịch thỏa thuận đáng chú ý của SHB với khối lượng hơn 800 nghìn đơn vị ở mức giá sàn, trong khi giao dịch khớp lệnh, SHB kết thúc phiên ở giá tham chiếu 6.400 đồng/cp. Cổ phiếu BVH tăng trần lần thứ 6 trong 7 phiên gần đây với giá 33.000 đồng/cổ phiếu, dư mua trên 20.000 đơn vị với trên 2 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Riêng cổ phiếu này, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới một nửa giá trị giao dịch.
Mặc dầu giảm điểm nhưng tín hiệu phát đi của phiên giao dịch ngày 20/9 trở nên tích cực hơn. Tổng khối lượng chuyển nhượng trên cả hai sàn đạt trên 1150 tỷ đồng. Riêng Sàn HOSE, giá trị giao dịch lên mức gần 1.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng đã gây sự chú ý của giới đầu tư với các cổ phiếu “nóng”. Các cổ phiếu “blue-chips” khác như VNM, MSN, HPG, DPM, DHG... đều trong tình trạng giao dịch yếu. Các cổ phiếu bất động sản gây chú ý trong những ngày qua như ITA, KBC, QCG... đều giảm sàn, góp phần kéo thị trường đi xuống. Khối ngoại bắt đầu gom ITA ở mức giá 4.600 đồng/CP sau khi cổ phiếu này bị bán tháo do thông tin cổ phiếu này bị đưa vào diện kiểm soát từ 20/9 . Trên sàn Hà Nội, trên 4,4 triệu cổ phiếu PVX đã được chuyển nhượng và cổ phiếu này đang ở mức giá thấp nhất từ trước tới nay là 4.400 đồng/ CP.

Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm ?


 “ Từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chưa thể hồi phục”, đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa khi dự đoán khả năng tăng trưởng của thị trường. Theo ông có 3 nhóm vấn đề không thể bỏ qua khi đánh giá tác động đến diễn biến của thị trường. Đó là tình hình kiều hối, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK (FII) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hiều hối trong 3 quý liên tiếp đầu năm nay đều giảm. Trong đó, dự kiến lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong quý III/2012 ước đạt 1,83 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 2,04 tỷ USD. Trong khi kiều hối đang có ảnh hưởng khá lớn đến dòng tiền trên TTCK, thì việc lượng kiều hối giảm sẽ tác động không tích cực đến sức cầu trên thị trường. Thứ hai là dòng vốn FII. Nếu như quý I/2012, dòng vốn FII đầu tư vào thị trường đạt 774 triệu USD, thì đã giảm mạnh còn 299 triệu USD trong quý II; dự kiến quý III/2012 giảm còn 90 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 346 triệu USD.  Thứ ba, dự kiến vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong quý III/2012 ước đạt 2,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 2,19 tỷ USD.
            Sau gói định lượng QE3 của Mỹ, dự báo thị trường vàng thế giới có khả năng biến động kéo giá vàng trong nước tăng theo. Bên cạnh đó,  NHNN có thể điều chỉnh trần lãi suất một lần nữa trong quý 4/2012 theo hướng lãi suất huy động sẽ ở mức 8% (dưới 1 năm) và 12% (trên 1 năm) sẽ tác động thêm việc nới lỏng của chính sách tiền tệ. Và như thế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng cuối năm sẽ tăng lại gây nguy cơ tái lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán vào quý IV/2012. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng “dậm chân tại chỗ” với tỉ lệ +1,8% so với đầu năm trong khi huy động vốn lên đến 10,26%. Tất cả điều này cho thấy các NHTM đang tập trung tháo gỡ nợ xấu, giải quyết việc sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng và tìm mọi cách giữ thăng của cán cân thanh khoản.
            Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (SBC) đã đưa ra những kịch bản đáng chú ý về diễn biến của TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm. Kịch bản 1 (xác suất xảy ra cao hơn) là nguồn tiền trên TTCK sẽ bị hạn chế, thậm chí giảm nhiều do một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân …thoái vốn. Dự báo chỉ số Vn-Index dao động từ 390 đến 430 điểm trong suốt các tháng còn lại của năm 2012. Kịch bản 2 (tiêu cực) dự đoán sẽ xảy ra nếu như “cơn sóng” bi quan của nhà đầu tư ngấm ngầm sau vụ bắt giữ “bầu Kiên”, các quan chức ngân hàng cùng với sự từ nhiệm của các lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng mới đây. Những thông tin “nhạy cảm” này sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thị trường chứng khoán, đặt biệt là các cổ phiếu của các NHTM đang niêm yết. Trong trường hợp này, chỉ số Vn-Index sẽ “rơi” về mức 340 điểm. Kịch bản 3 (tích cực & khó xảy ra) với chỉ số Vn-Index lên 500 điểm nếu thị trường thu hút được nguồn vốn nước ngoài, các quỹ đầu tư mới, các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.
Nhận định về những phân tích nêu trên, các chuyên gia tài chính cho rằng, kịch bản 3 sẽ khó xảy ra vì nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp sản xuất thu hẹp, trả bớt nợ vay, các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành có nhu cầu rút vốn, vốn nước ngoài trong xu thế giảm dần. Và như thế, vùng điểm (390 – 430) của kịch bản 2 sẽ hứa hẹn sự “bình yên” của thị trường chứng khoán từ nay dến cuối năm.


1 nhận xét:

  1. TTCKVN chết chắc. Nó sống ngắc ngoải đến hết năm 2012 và cả 2013 nữa.

    Trả lờiXóa