Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Ở bất kỳ nơi nào và không ở đâu cả


Phan Ba dịch từ Der Spiegel 17/1968 (22/04/1968)

Nghị sĩ Mỹ để cho người ta làm nhục mình: họ mang cờ trắng trên đường đi qua vùng đất của quân địch, rồi họ ngồi trên những chiếc ghế mà quân Đỏ đã cưa ngắn đi trước đó cho hợp với kích thước của châu Á.

Trước vòng cuối. Ảnh biếm họa của tờ Weltwoche, số 17 / 1968

Trước vòng cuối. Ảnh biếm họa của tờ Weltwoche, số 17 / 1968

Đó là năm 1951 ở Kaesong, khi người Mỹ, người Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lần đầu tiên thương lượng về việc bắt đầu đàm phán để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

17 năm sau Kaesong, lại vướng vào trong một cuộc chiến tranh tâm lý với người châu Á, người Mỹ không muốn bị hạ nhục một lần thứ nhì. “Chúng ta sẽ không đi đến bất cứ nơi nào và giơ một lá cờ trắng tượng trưng”, một phát ngôn của Tòa Nhà Trắng tuyên bố.

Tuy Lyndon Johnson luôn luôn quả quyết trong những tháng vừa qua, ông ấy sẵn sàng nói chuyện với Bắc Việt Nam về hòa bình ở Đông Nam Á “ở bất kỳ nơi nào và vào mọi thời điểm”.

Nhưng bây giờ khi Hà Nội đề nghị đàm phán về những cuộc đàm phán ở trong thủ đô Pnom Penh của Campuchia hay ở Warszawa thì mới lộ ra rằng với “ở bất kỳ nơi nào”, ông ấy hoàn toàn không có ý là “ở bất kỳ nơi nào”.

Người Mỹ từ chối – không chỉ từ nỗi lo sợ trước một Kaesong thứ nhì:

Washington nhất quyết đòi hỏi một nơi hội họp mà những người đàm phán của Hoa Kỳ (và nhà báo Hoa Kỳ) tự do đi lại và gửi những bức điện tín của họ ở phía sau bức tường của một Đại sứ quán Hoa Kỳ hoàn toàn không có tình báo của đối phương. Điều đấy là không thể ở Pnom Penh – vì Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Campuchia.

Washington bị đồng minh của mình, trước hết là Nam Việt Nam và Hàn Quốc, thúc ép, rằng chỉ chấp nhận một nơi hội họp mà cả họ cũng có đại diện ngoại giao. Warszawa không phải là một trường hợp như vậy (nơi duy nhất mà người Mỹ và người Trung Quốc đỏ nói chuyện với nhau), vì Ba Lan không có quan hệ ngoại giao với cả hai nước đó.

Để thay thế, người Mỹ đề nghị Genève hay các thủ đô ở châu Á Vientiane (Lào), Rangoon (Miến Điện), Jakarta (Indonesia) và New-Delhi (Ấn Độ).

Nhưng người Việt Nam không muốn thế: Hà Nội liên kết Genève với những hồi tưởng đen tối như người Mỹ với Kaesong: từ lần chia cắt được quyết định ở Genève năm 1954, Hồ Chí Minh có cảm giác bị cuỗm mất lần chiến thắng người Pháp của mình.

Hà Nội bị các đồng minh Trung Quốc đỏ của họ gây áp lực, chỉ gửi đại diện của mình, nếu như nói chung là có gửi đi, đến một nước châu Á mà Bắc Kinh có quan hệ tốt với nước đó. Đấy không phải là Lào mà cũng không phải là Miến Điện, không phải Indonesia mà cũng không phải là Ấn Độ.

Kết quả của cuộc giằng co về nơi hội họp: trong vòng mười hai ngày, các đại sứ của Washington và Hà Nội ở Lào trao đổi tám ghi chú về hội nghị và nơi họp, nhưng họ không tìm được một thỏa hiệp.

Thay vào đó, cả hai bên đẩy giá cho các cuộc đàm phán lên cao, bước đi bên cạnh “con đường ngoại giao là cả con đường của sự sẵn sàng về quân sự” (Johnson).

Tổng thống Mỹ nhượng bộ trước áp lực của các diều hâu Rusk, Westmoreland, Bunker và Rostow của mình, những người quả quyết với ông ấy rằng trong thời điểm này, chống lại những người Cộng Sản đã bị tổn thương bằng các phương tiện quân sự sẽ đạt được nhiều thành công hơn là với những cuộc đàm phán kéo dài.

Khúc mở màn hòa bình của Lyndon Johnson trong ngày 31 tháng 3 – liên kết với việc ông ấy từ bỏ ra ứng cử thêm một lần nữa – còn chưa tắt tiếng thì

Người Mỹ đã giải vây cho căn cứ Khe Sanh

Hơn 100.000 quân lính đồng minh bắt đầu chiến dịch “Toàn Thắng”

Phi công Mỹ thực hiện những cuộc công kích lớn nhất kể từ ba tháng nay ở Bắc Việt Nam. Ở Khe Sanh, nơi 80.000 tấn bom đã rơi xuống trong lúc bị bao vây, lính Mỹ hầu như không gặp phải kháng cự: đối thủ đã rút lui từ trước. Phi công trực thăng săn lùng từng người trốn chạy riêng lẻ một. Một thiếu úy pháo binh dùng một đại bác 105 milimét bắn 120 phát đạn vào một Việt Cộng.

Trong chiến dịch “Toàn Thắng”, quân đội Mỹ, Nam Việt, New Zealand và Úc tỏa ra trong mười một tỉnh – và họ cũng chiến thắng: đối thủ đã rút lui kịp thời.

Chiến dịch Toàn Thắng II (bảo vệ Sài Gòn)

Chiến dịch Toàn Thắng II (bảo vệ Sài Gòn): một chiếc trực thăng UH-1D đang đợi chỉ huy của Đại đội D, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 199, để đến vùng hành quân. Ảnh: Lawrence J. Sullivan, tháng 10/1968, Vietnam Center Archiv.

Trong cuộc chiến trên không, máy bay Mỹ bay cho tới 143 phi vụ một ngày và ném bom đất nước này giữa vùng phi quân sự và vĩ tuyến 19. Tàu tuần dương “St. Paul” bắn từ biển. Thế nhưng cả bom lẫn pháo chiến hạm đều không thể ngăn chận được cuộc tiếp tế của quân Đỏ.

Qua đường mòn Hồ Chí Minh, người Bắc Việt đưa lính mới và vũ khí vào miền Nam. Ở đấy, nơi người Mỹ vừa giải thoát cho 6000 người bị bao vây một vài ngày trước đó – ở Khe Sanh – lại có tử vong mới: vào ngày thứ ba tuần rồi, 19 người Mỹ chết, 56 bị thương và 14 còn được xem là mất tích.

Cả ở bên ngoài biên giới Nam Việt Nam, các lực lượng đỏ cũng chuẩn bị cho một lần tấn công mới – lần này, như người Mỹ lo ngại, là chống lại Lào: họ bao vây hai thành phố Lào, tấn công quân đội Lào và còn chuyển cả vũ khí hạng nặng sang Lào, trong đó có hỏa tiễn 140 milimét, súng cối 120 milimét và pháo chống tăng.

Thêm vào đó, người Bắc Việt tăng cường lực lượng phòng không của họ: chỉ trong vòng vài giờ, họ đã bắn rơi bốn máy bay phản lực của Hoa Kỳ; thường họ chào đón những người tấn công với hàng rào phòng không.

Trong lúc đấy, Lyndon Johnson – bị thúc ép bởi phe diều hâu ở quê nhà và phe diều hâu trong phái đồng minh – cố gắng không rơi ra khỏi vai trò là tổng thống hòa bình mặc dù tăng cường sử dụng vật chất Mỹ: ở Honolulu, ông ấy cố gắng chẩn bị tinh thần cho giới quân đội và đồng minh cứng rắn nhất của ông ấy, tổng thống Hàn Quốc Park, cho hòa bình.

Ông đã cho Park và mười một cố vấn của ông ấy – hình thức xoa dịu quen thuộc của Johnson – bay đến bằng một chiếc chuyên cơ của Hoa Kỳ. Thế nhưng người Hàn Quốc đấy vẫn cứng rắn: ông ấy chỉ ra đi sau khi Johnson bảo đảm với ông ấy rằng sẽ không đưa ra quyết định nào mà không hỏi ý kiến người Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ hoài công kêu gọi Hà Nội thêm một lần nữa, cuối cùng rồi cũng hãy chấp nhận một trong những đề nghị của Mỹ.

Để dồn ép người Bắc Việt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rusk mở rộng quyển danh mục những nơi hội họp của Mỹ thêm mười nước nữa, những nước mà trong đó có thể tiến hành các cuộc trao đổi đầu tiên: Ceylon, Nhật, Afghanistan, Pakistan, Nepal, Malaysia, Ý, Bỉ, Phần Lan và Áo. Paris và Budapest đề nghị được phục vụ, và cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Việt Nam Trần Ngọc Ninh đề nghị như một sự thỏa hiệp, rằng người ta cứ đơn giản là hãy đàm phán ở vùng phi quân sự.

Thế nhưng người Cộng Sản đầu tiên chỉ trả lời qua cơ quan của Đảng, tờ “Nhân Dân”: “Chúng ta yêu cầu thêm một lần nữa, rằng chính phủ Mỹ … đồng ý bắt đầu các cuộc họp tại Pnom Penh hay Warszwa ngay lập tức.”

Dư luận thế giới, tờ báo chế nhạo, sẽ bắt buộc người Mỹ đi đến bàn đàm phán. Vì theo Johnson, để đàm phán người ta chỉ cần “một căn phòng, một cái bàn và một nhóm người sẵn sàng nói chuyện với nhau trong sự tôn trọng.”

“Chính phủ Johnson”, nhà báo Hoa Kỳ nổi tiếng James Resten bình luận về tính không linh hoạt của người Mỹ, “một lần nữa lại gặp phải khó khăn – chỉ vì họ có khuynh hướng hứa nhiều hơn là họ muốn giữ lời.”

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 17/1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46106847.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

NGUYỄN ĐỨC KIÊN và HOÀNG QUANG THUẬN ai phạm tội khủng khiếp hơn?



NGUYỄN ĐÀO TRƯỜNG

Suốt hai tuần lễ vừa qua, dư luận từng bước lật mặt đại thi hào dỏm Hoàng Quang Thuận- một tên trộm háo danh nhất mọi thời đại cùng những hành vi man trá của lão Viện trưởng mất nhân cách này. Cũng may, hội đồng giải Nobel chưa đọc những cái gọi là thơ của Hoàng Quang Thuận, chứ không Việt Nam lại nhục quốc thể với thế giới.

Tôi phải kiên nhẫn lắm mới đọc hết lượt tập thơ vớ vẩn của Hoàng Quang Thuận từng được không ít quan chức Hội Nhà văn VN hết lòng hết dạ một cách nhẫn tâm và vô liêm sĩ để tung hô. Càng đọc càng bực mình vì chỗ nào cũng nhặt ra được rác, cũng 4 câu, 3 vần hay 8 câu, 5 vần mà bài nào cũng chẳng luật lệ gì hết, thật là thứ thơ hổ lốn, chứng tỏ ông Hoàng Quang Thuận quả là người làm thơ mù luật, làm bừa, làm lấy được, ăn cắp chữ của người khác vụng về, trắng trợn. Để khỏi mất thì giờ của người đọc, sáng tỏ sự việc tôi xin lấy một bài làm thí dụ.
Bài 16- Chùa Yên Hoa:
Xiêu xiêu cây đại trắng nở hoa
Đây đúng nơi xưa chùa Yên Hoa
Tần ngần dạo bước vân phong vũ
Cảnh cũ người xưa có đây mà.

Lỗi trùng vần ( HOA, HOA). Đáng lẽ: Chữ thứ 2 câu thứ nhất, chữ thứ 6 câu thứ 4 bắt buộc phải thanh trắc, chữ 4, câu 1 thanh bằng. Chữ thứ 2, câu thứ 2 phải thanh bằng, chữ 4, câu 2 thanh trắc, như thế mới đúng niêm luật. Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh. Đấy là hiểu biết tối thiểu của người làm thơ, chứ chưa nói đến hay, dở nội dung trong bài, câu thơ: "TẦN NGẦN DẠO BƯỚC VÂN PHONG VŨ" rất ngớ ngẩn, ngô nghê tự nhiên ông Thuận lại choảng vào ba chữ Hán"VÂN PHONG VŨ", đoán ý ông muốn nói dạo bước mây, mưa, gió. Thưa ông đại bịp xưa nay không ai tâm thần, ngu độn lại dạo bước trong mưa gió như thơ ông. người ta dạo bước chỉ khi nào tâm hồn thư thái, nhàn tản trời quang mây tạnh, trăng trong, gió mát. Còn"Tần ngần dạo bước VÂN PHONG VŨ" không ai ngửi được. Mà lại là thơ tứ tuyết thế mới chết chứ.

Không hiểu tại sao những ông bà chức sắc đầy mình, mũ cao áo thụng, nhà này, nhà khác danh tiếng xủng xoảng trùm thiên hạ mà không phát hiện, hay không biết thơ hổ lốn của ông Hoàng Quang Thuận dở đến mức nào, ăn cắp ở đâu… Cộng đồng mạng lần lượt phát hiện ông Hoàng Quang Thuận từng ăn cắp từ công trình máy rung chữa bệnh của 2 người thợ ở Đà Nẵng, rồi lấy tiền, ôtô của Tăng Minh Phụng bị án tử hình. Còn nhiều việc khác nữa... Thế nhưng, ông Hoàng Quang Thuận không chỉ qua mặt các cơ quan pháp luật, mà còn nghênh ngang trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN với cái thẻ có chữ ký bay bướm của ông Hữu Thỉnh! Xin lưu ý, ông Hữu Thỉnh chính là người đã rất có công kết nạp tên tội phạm tham nhũng Hùng Anh gây sụp đổ công ty dược Minh Hải ở Cà Mau lẫn tay bác sĩ chuyên trị hẹp bao quy đầu Nguyễn Minh Hồng chỉ mới tập tọng viết được vài câu văn ấm ớ ở Nghệ An, cùng vào tổ chức văn chương uy tín bao nhiêu năm tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân!. Tôi không khỏi nghi ngờ: ông Hoàng Quang Thuận lừa siêu hạng, hay những kẻ có quyền bị đui mù chức năng thẩm mỹ hoặc ăn oản chùa ngọng miệng, mà nâng đỡ Hoàng Quang Thuận kệch cỡm tiến lên ứng cử giải Nobel?

Các cụ nhà ta hồi xưa rất cảnh giác với bọn quan chức, thời Bì Nhật Hưu (834-883) từng bảo: "Xưa đặt quan lại để đuổi trộm cướp, nay đặt quan lại để làm trộm cướp" (Đường Thi tuyển dịch, trang 1275). Trường hợp Hoàng Quang Thuận đúng là đặt quan lại làm trộm cướp. Ngựa quen đường cũ bây giờ tên trộm leo sang trộm đến văn chương, tưởng cứ ngon ơ như khi trộm vàng, trộm bạc, trộm chức, trộm quyền. Hóa ra trộm đến văn chương liền bị tố cáo, chửi bới, ném đá rầm rầm, vạch trần chân tướng. Thế mới thấy lĩnh vực văn chương cao quý, thiêng liêng vẫn còn những người biết giữ công đạo và chính nghĩa.



Tội trộm cắp và tội lừa đảo của Hoàng Quang Thuận còn khủng khiếp hơn tội của Nguyễn Đức Kiên vừa bị bắt vì lũng đoạn hệ thống ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn cản trở phát triển kinh tế, còn Hoàng Quang Thuận và đồng bọn làm thui chột đạo đức xã hội. Cần nhớ rằng, trong sự hưng vong của một dân tộc, nền tảng lương tri có giá trị gấp trăm lần tài sản vật chất. Sở dĩ sự man trá của Hoàng Quang Thuận được hoành hành nhờ có lãnh đạo hội nhà văn nước Việt, một số tờ báo, đài phát thanh truyền hình xúm vào bốc thơm và che đậy. Các cơ quan bảo vệ pháp luật sao không vào cuộc đưa tên vô lại Hoàng Quang Thuận cùng đồng bọn của chúng ra trước vành móng ngựa để làm gương cho những kẻ đạo văn và tung hô vô lối khác?

Đừng thờ ơ nữa, đừng lạnh lùng nữa, hãy làm trong sạch môi trường văn học nước nhà. Mong lắm thay.

http://lethieunhon.com/read.php/6142.htm


Phát ngôn và hành động của ông Hùng dưới góc độ Hiến pháp Ba Lan


Phần viết trước: Bi hài chuyện tố cáo phản động của ông Lê Thiết Hùng

Hiến pháp (HP) Ba Lan là một trong những niềm tự hào dân tộc. Không phải ai cũng biết, quốc gia Trung Âu này có bản HP sớm thứ 2 trên thế giới, chỉ sau một nước, đó là Mỹ. Hiến pháp Mỹ ra đời ngày 17/9/1787 và 4 năm sau, bản Hiến pháp thứ nhì của thế giới xuất hiện vào ngày 3/5/1791. Đó là Hiến pháp Ba Lan.

Ngày 3/5, trong nhiều năm nay trở thành một ngày lễ trọng đại của dân tộc- ngày nghỉ của tất cả mọi người và là ngày để Tổng thống vinh danh những người con ưu tú nhất của đất nước.

Hiến pháp Ba Lan thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của quốc gia và có sự tương ứng với mỗi thể chế chính trị, nhưng về cơ bản, nó vẫn dựa trên nền tảng bản Hiến pháp đầu tiên.

HP hiện thời của Ba Lan có một điều khoản hết sức đặc biệt. Đó là điều khoản loại trừ tuyệt đối chủ nghĩa cộng sản cũng như bất kỳ thứ gì dính dáng tới nó.

Sau những năm dài bị áp đặt chế độ CS- gọi là áp đặt vì dân tộc Ba Lan chưa bao giờ chấp thuận một cách tự nguyện- hàng triệu người dân Ba Lan, trong nhiều năm trời, đã tranh đấu bền bỉ, hy sinh xương máu, chấp nhận tù đầy để gỡ bỏ gông kiềng. Tội ác của chủ nghĩa CS gây ra với dân tộc này chỉ đứng sau Phát xít Hitler. Chính vì thế, chiểu theo nguyện vọng của đa số dân chúng, điều khoản đặc biệt này được đưa vào HP

Cùng với những thứ chủ nghĩa xấu xa nhất như Phát- xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, CS bị loại bỏ khỏi những sinh hoạt chính trị, xã hội của đất nước. Nếu như ở nhiều nước phương Tây, đảng CS vẫn tồn tại như một đảng phái đối lập nhỏ, thì ở Ba Lan, nó đã không có được cái ân huệ đó.

Tuy vậy, không phải người Việt nào ở Ba Lan cũng biết điều này, hay ít nhất là được tận mắt nhìn thấy.

Hiến pháp hiện hành của Ba Lan bao gồm XIII chương với 243 điều khoản. Mỗi người nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng, trong những năm gần đây, khi nhập quốc tịch, đều được trân trọng trao một quyển Hiến Pháp.

Ở nước nào cũng vậy, trong mỗi bản HP, những điều quan trọng nhất, quyết định tới sự tồn vong của dân tộc được quy định ngay tại chương đầu tiên. Và, điều khoản loại trừ chủ nghĩa cộng sản là một trong những quy định cốt lõi nhất trong Hiến pháp Ba Lan. Đó là điều thứ 13 của chương I.

Xin tạm dịch như sau: “Cấm sự tồn tại các đảng phái chính trị và các tổ chức khác mà trong cương lĩnh của mình có đề cập đến và có sử dụng các phương pháp toàn trị và các biện pháp thực hành của chủ nghĩa nazi, phát xít và chủ nghĩa cộng sản, và cả những tổ chức, mà cương lĩnh hoặc hoạt động chấp nhận hoặc cho phép sự căm thù chủng tộc và dân tôc, sử dụng bạo động vào mục đích giành chính quyền hay làm ảnh hưởng đến chính sách quốc gia hoặc chấp nhận cơ cấu tổ chức và thành viên bí mật”. (1)

Ngôn ngữ luật học khá khó hiểu với một người bình thường, nhưng một cách nôm na, có thể nói, cộng sản là thứ hàng quốc cấm tại Ba Lan. Sinh hoạt đảng CS, hay các tổ chức có cương lĩnh CS đều bị cấm. Không những vậy, những biểu tượng cộng sản, hay sự cổ vũ cho chủ nghĩa CS đều là vi hiến.

Báo chí Ba Lan đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở dân chúng, nhất là du khách từ các quốc gia cộng sản và cựu cộng sản về điều khoản này. Vài năm trước đây, một công dân nước ngoài từng bị phạt cảnh cáo khi vẽ trên tuyết hình búa liềm. Dịp Euro 2012 vừa qua, cơ quan ngoại giao Ba Lan tại Moswow và tiếp theo đó là các cơ quan truyền thông đã phải lên tiếng hướng dẫn cổ động viên Nga để họ không có những hành động xúc phạm tới tình cảm và HP Ba Lan.

Trong một xã hội đa nguyên, không thể phủ nhận việc, vẫn có những người Ba Lan còn lưu luyến chủ nghĩa CS. Nhưng tuân thủ bản HP đã được số đông biểu quyết, họ phải gạt bỏ tình cảm này để sống đúng với pháp luật hiện hành.

Sau khi chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ, những đảng viên thuộc đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (tương ứng với đảng CS) đã phải chấm dứt hoạt động, hoặc phải thay đổi quan điểm để thích nghi với chính trường Ba Lan. Những đảng viên có nợ máu hoặc những người từng làm việc trong ngành an ninh, phải chấp nhận bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị.

Nhưng trớ trêu thay, ở đất nước này, lại xuất hiện yếu tố CS ngoại lai. Lại có thêm những người nhập quốc tịch Ba Lan nhưng phát ngôn và hành động sặc mùi cộng sản.

Vào quốc tịch Ba Lan những năm 2000s, ông Lê Thiết Hùng chắc chắn nằm trong số những người chỉ mang duy nhất quốc tịch Ba Lan. Luật quốc tịch Ba Lan trong những năm này, bắt các công dân Việt Nam phải bỏ quốc tịch gốc.

Vậy, hãy xem ông đã hành xử ra sao với bản HP của quốc gia đang cưu mang bản thân và gia đình mình.

Các “tổ chức phản động” mà ông nhắc tới mới đây, không phải đâu xa lạ mà chính là lực lượng hoạt động đối lập (gốc) Việt Nam tại Ba Lan- những người muốn vận dụng kinh nghiệm của công đoàn Đoàn kết, thành quả của cuộc cách mạng nhung Ba Lan vào công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. Họ không chống lại dân tộc, hay đất nước Việt Nam, không có ai điên tới cỡ như vậy; nếu có chống, họ chỉ chống lại đảng CS Việt Nam, chống lại sự cai trị độc tài, hà khắc suốt nhiều thập kỷ qua áp đặt lên dân tộc.

Hoạt động đòi dân chủ này không những là việc làm hợp hiến mà còn hợp với lòng người, với tâm tư, tình cảm của dân tộc Ba Lan. Sự ưu ái và nâng đỡ của chính quyền cũng như báo giới Ba Lan dành cho lực lượng đối lập Việt Nam trong những năm qua đã chứng tỏ điều đó.

Quốc hội Ba Lan từng cho phép lực lượng đối lập tổ chức một Hội nghị quốc tế ngay tại trụ sở, bất chấp công hàm phản đối của bộ Ngoại giao Việt Nam. Thủ tướng, Tổng thống, nhiều nghị sĩ, trong có chủ tịch Thượng Viện từng tiếp hay tham khảo ý kiến của đối lập Việt Nam. Khi công dân Việt Nam bị tòa đại sứ từ chối cấp hộ chiếu vì hoạt động dân chủ, Tổng thống Ba Lan đã đặc cách cấp quốc tịch cho cô.

Ông Lê Thiết Hùng (Ảnh Internet)

Vậy ông Hùng có phản bội lại HP Ba Lan không, khi mù quáng gọi những người như vậy, những tổ chức như vậy là phản động? Ông có biết, công đoàn Đoàn kết Ba Lan cũng bắt đầu từ những hoạt động tương tự như vậy hay không?

Ông có biết, tổng thống, thủ tướng và nhiều chính trị gia Ba Lan những nhiệm kỳ trước đây và hiện nay đều từng là những người hoạt động đối lập, từng bị tù đầy dưới thời cộng sản hay không? Ông có biết, hàng ngàn người hoạt động đối lập dưới thời cộng sản đã ngã xuống để gia đình ông được hưởng một nền tự do dân chủ, để vợ chồng ông có cơ hội kiếm tiền, để con cháu ông được hưởng nền giáo dự tử tế hơn, nhân ái hơn ở đất nước này hay không?

Và ông đã trả ơn đất nước này bằng cách gọi những người hoạt động dân chủ là những kẻ phản động. Ông đã trả ơn dân tộc này bằng cách cung cúc phục vụ cho chế độ cộng sản ở quê nhà.

Nếu kiến thức trong những năm ăn học ở đây, kinh nghiệm chuyển đổi chế độ ở nơi này không dậy cho ông được điều gì hữu ích, thì ít ra, ông cũng nên học lấy thái độ chấp nhận và phục thiện của những người CS Ba Lan, nên học ở họ lòng tự trọng.

Không chỉ có lời nói xúc phạm mà ông và hội của ông còn có những hoạt động vi hiến khi cản trở đối lập, ngáng chân những người hoạt động dân chủ, như lời khoe khoang đầy tính tâng công mới đây trên tờ Hà Nội Mới “Bằng giáo dục tuyên truyền và nhất là qua các hoạt động giao lưu trò chuyện, hội đã giúp cho bà con, đặc biệt là các cháu thế hệ thứ hai hiểu đúng về quê hương, đất nước. Từ đó, bà con tẩy chay, cô lập các tổ chức phản động”

Chính ông thừa nhận, ông và hội đã có hành động tuyên truyền vận động để đi đến sự tẩy chay và cô lập các “tổ chức phản động”. Ông có đủ dũng cảm chỉ ra những tổ chức đó là ai, gồm những cá nhân nào không? Ông có dám kể ra đây dăm ba cái tên không?

Ông không dám! Bởi chúng tôi sẽ ngay lập tức lôi cổ ông ra tòa.

Chắc ông còn nhớ, đài truyền hình Ba Lan, chỉ vì một phút nhỡ mồm đã phải xin lỗi ồng Trần Ngọc Thành trên truyền hình và đền bù danh dự bằng một số tiền lớn. (Số tiền này, theo đề nghị của ông Thành, đài truyền hình đã chuyển tới trại trẻ mồ côi). (2)

Ông đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về hành động và lời nói của mình.

Song, một cách công bằng mà nói, ông Lê Thiết Hùng không phải người duy nhất có hành động vi hiến tại Ba Lan. Những sinh hoạt cộng sản lén lút trong cộng đồng đã có từ nhiều năm nay.

Đón đọc phần tiếp: Sinh hoạt đảng CS tại Ba Lan- Chuyện bây giờ mới kể.

© Đàn Chim Việt

————————————————

Ghi chú:

(1) Nguyên văn điều 13:

“Zakazane jest istnienie partii politycznych i innych organizacji odwołujących się w swoich programach do totalitarnych metod i praktyk działania nazizmu, faszyzmu i komunizmu, a także tych, których program lub działalność zakłada lub dopuszcza nienawiść rasową i narodowościową, stosowanie przemocy w celu zdobycia władzy lub wpływu na politykę państwa albo przewiduje utajnienie struktur lub członkostwa”

(2) Xem bài viết cũ: Mạc Việt Hồng: “Đưa báo An ninh Thế giới ra tòa?

Ngày về Pa An


Từ Khanh (Danlambao) - Mây Pa An. Như một sợi chỉ xám treo từ đỉnh Zwegabin níu xuống rừng cây Lâm Tì Ni trùng trùng hình tượng trắng phau khoác áo vàng. Rừng riêng biệt thanh bình trên vùng đất khói lửa. Những người Karen ở lại Pa An thất thểu dưới trời mưa. Những người Karen chạy qua biên giới thất thểu trong hàng rào trại Mae La. Chỉ cách một dòng sông nhỏ. Em ở bên này chị ở bên kia. Không biết ai chờ ai.

Mây ở Pa An và mây ở Mae La buồn như nhau.

Pa An là thủ phủ của bang Kayin (trước đây có tên là Karen). Mawlamyine, Thaton và Pa An là ba đỉnh của một tam giác đều. Nếu lấy Mawlamyine làm đỉnh, thì khoảng cách đến Pa An và Thaton chừng bảy mươi cây số, dù thời gian đi khác nhau vì đường tốt, đường xấu. Tôi xuống bang Mon chấm Mawlamyine làm tâm điểm, từ đây vẽ một vòng tròn bán kính dưới một trăm cây số, đi đến các điểm trong bán kính ấy rồi rút về tâm điểm nghỉ ngơi. Thaton cố quận người Mon về hướng bắc, nghĩa trang chiến sĩ đồng minh trận vong Thanbyuzayat về hướng nam (cũng cách Mawlaymine gần bảy mươi cây số), và Pa An hướng đông bắc.

Pa An không nổi danh như những vùng đất khác ở Miến. Có lẽ vì nằm trong vùng lửa bỏng là bang Karen. Nơi đây người Karen chịu sự đàn án khốc liệt nhất của quân phiệt Miến.

Karen là tên gọi chung của nhiều sắc dân, như người Pa’O ở hồ Inle thuộc bang Shan cũng là một sắc dân thuộc chủng tộc Nam Karen. Một số học giả Miến cho rằng người Karen phát xuất từ phương bắc, theo dòng sông Thanlwin từ bang Shan xuôi nam và định cư ở Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ 7.

Lịch của người Miến sau lịch Tây 638 năm, nhưng lịch của người Karen lại trước lịch Tây đến 739 năm, tức năm thứ nhất của họ là 739 năm trước Công nguyên. Chưa có học giả nào dám xác định nguyên nhân tại sao, chỉ đồ đoán rằng có lẽ họ tính lịch từ khi rời bỏ quê hương gốc từ phương bắc bởi trong lịch sử truyền khẩu của người Karen, có câu chuyện dân tộc họ vượt một dòng sông cát. Ở Trung Quốc lại có chỗ nói sa mạc Gobi là ‘sông cát’. Từ đó người ta đoán rằng người Karen nguyên thủy ở vùng giáp Tây Tạng, vượt sa mạc Gobi để vào đại lục Trung Hoa, rồi tiến dần về vùng đồi núi hướng đông của Miến Điện bây giờ.

Từ cuối thập niên 1940 người Karen đòi ly khai, nhưng đến năm 1956 họ đồng ý thuộc liên bang Miến, gần đây họ tuyên bố ủng hộ một liên bang Miến Điện dân chủ. Nhưng chính quyền Miến Điện vẫn đàn áp, xua lính cướp bóc các làng dân, hãm hiếp và bắt cả phụ nữ trẻ em đi dân công hỏa tuyến. Một số trí thức Karen ở nước ngoài cho rằng quân đội Miến (Tatmadaw) phạm tội ác chiến tranh vì tránh đụng độ với các lực lượng võ trang của người Karen. Quân đội nhắm vào vào thường dân để tàn sát. Thế giới bỏ quên, người Karen chiến đấu đơn độc. Những người nông dân chất phát Karen cầm súng tự bảo vệ mình và làng xóm. Hơn sáu mươi năm qua họ không khởi xướng chiến tranh, kể cả chiến tranh phá hoại, chỉ cầm súng để tự vệ. Những người khác thì chọn con đường vượt biên qua Thái để sống chui rúc và tuyệt vọng trong trại tị nạn Mae La cách biên giới bang Karen tám cây số đường bộ. Năm ngoái, tôi đến trại tị nạn Mae La, hàn huyên với những thanh niên Karen hiền lành chất phát. Cũng nhằm mùa mưa. Trại Mae La ướt dầm dề. Nước đọng trên mái lá nâu cũ, trên những con đường đất đường núi quanh co sình lầy. Những người Karen ngồi dưới mái lá, thẩn thờ nhìn trời ngó đất, hơn bốn chục ngàn người trong hàng rào thép gai lặng câm. Chỉ tiếng mưa dội xuống đất.

Họ nói chuyện chậm rãi và từ tốn, mắt u buồn nhìn về hướng quê cũ bên kia sông và núi. Tôi nói với họ sắp đi Miến, nếu họ muốn thư từ liên lạc gì thì tôi có thể đưa giúp. Người bạn mới quen So Helkele (người Karen gọi thanh niên là ‘So’ còn người Miến gọi là ‘Maung’), 26 tuổi, nói: ‘Em không biết gia đình giờ ở đâu để liên lạc, các chị và cha mẹ chạy lòng vòng trong rừng.’ So nghẹn ngào. Gia đình trước đây ở một làng nhỏ thuộc Pa An. Từ Mawlaymine, tôi đi Pa An bằng xe đò giá một ngàn kyat (khoảng hơn một đô Mỹ). Chiếc xe xập xệ không còn một chiếc cửa nào hoàn thành nhiệm vụ. Cửa nào mở thì cứ mở, cửa nào đóng thì cứ đóng, không nhúc nhích vô ra hay kéo lên kéo xuống gì được. Ở bến xe, một bác người Ấn lên xe quảng cáo dầu gió, bác bắt tôi ngửa lòng bàn tay, chế vô vài giọt dầu rồi ra dấu đưa lên mũi ngửi. Dọc đường, xe ngừng chỗ nào là đàn bà trẻ nít ào lên xe, bán cốc, xoài, ổi, bánh samusar, hệt cảnh những người bán rong trên xe đò liên tỉnh bên mình. Chỉ vài chục cây số đường mà có khá nhiều trạm canh, lính Miến cầm súng dữ dằn. Đường nhỏ và xấu, hai xe tránh nhau thì một xe phải nép sát lề chờ chiếc kia đi qua. Rừng cây dầy có một vẻ hoang dã, ruộng đồng xâm xấp nước, những vuông mạ non quằn mình trong không gian đầm đìa. Vài căn nhà lá nâu ủ rũ giữa đồng. Những phụ nữ trang phục đủ màu đang cắm cúi làm ruộng.

Mưa trắng cả rừng xanh.

Mưa nơi đây buồn không thua gì mưa ở Mae La.

Tới bến xe Pa An sau hai tiếng rưởi, tôi bắt xe ôm về nhà trọ Moe Brothers nổi tiếng rẻ. Giá phòng sáu đô Mỹ, vòi nước nóng nằm cách vòi nước lạnh một thước, rảnh cống nước tắm của phòng tắm công cộng bên cạnh chạy ngang qua phòng mình, muỗi bay vù vù chóng cả mặt. Tự an ủi coi như chia sẻ chút nhọc nhằn với người bạn So Helkele đang co ro tuyệt vọng bên kia biên giới. Tôi trùm áo mưa, rảo một vòng chợ, gọi là bát phố. Ấn tượng đầu tiên về Pa An là giữa một bùng binh chính, có tượng một thiếu nữ chít khăn vàng, mặc áo lam, đầu đội cái đầu trâu hai sừng đen bóng, mắt trâu tròng vàng lòng đen nhìn chăm chăm dữ dằn. Đó là một trong 37 vị thần nat. Hình ảnh vị thần này như tỏa ra một nỗi nín nhịn trùm lên không gian chiều buồn bã. Nhà cửa cũ kỹ, mái tôn đã rỉ sét, một con đường chỉ có vài căn nhà tạm gọi là khang trang, lề đường ít rác nhưng tróc lỡ, có vẻ như chính phủ không có một kế hoạch chỉnh trang đô thị nào cả. Gần như mọi con đường đều hư hỏng nặng. Nước cống đen, nước rảnh đục, nước mưa trong, nước trầu đỏ trộn vào nhau chảy băng băng trên đường. Phố xá tiêu điều dưới cơn mưa. Tất cả phản ảnh một vùng đất bất ổn và thiếu thốn, rất giống với phố xá Myitkyina nhếch nhác thuộc tiểu bang Kachin cực bắc.

Pa An có nhiều xe tuk tuk như bên Thái, tôi lận theo tấm bản đồ vẽ tay của nhà trọ để thuê xe đến các hang động, nghe nói có nhiều tượng và tranh tường khắc vẽ từ thế kỷ thứ 7. Nhưng không bác tài tuk tuk nào chịu chạy, mà tôi cũng không hiểu tại sao vì họ cứ nói tiếng Miến. Cuối cùng về lại nhà trọ hỏi ông chủ. Thì ra đường đến các hang động rất xấu, phải đi đông người thì ngồi tuk tuk mới đỡ xốc, đi một người dù trả tiền cao họ cũng không chạy. Ông chủ nói cậu nên đi xe ôm.

‘Mưa thế này!’

‘Mưa ào cái tạnh liền à.’

Quả mưa miền Hạ Miến đúng thế thật. Ào ào rất dữ tợn nhưng độ mươi phút thì chỉ còn thánh thót rải đều cả trời đất. Rồi bất chợt ầm ầm nặng hạt. Ông chủ người Karen không cần tôi trả lời, đứng trên băng công nhà trọ ới một cậu xe ôm bên dưới. Tôi chọn ba điểm có vẻ gần nhất vì đã hơn hai giờ trưa.

Cậu xe ôm tên So Twe cũng là người Karen, gia đình có bảy anh em nhưng tản lạc hết chỉ còn hai người ở lại với mẹ già bảy mươi tuổi đau ốm triền miên. Năm người kia có người tham gia Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc Karen (Karen National Liberation Army), có người chạy qua Thái tỵ nạn. Dưới bầu trời mịt mù mây xám và mưa trắng không gian, tình cảnh gia đình ly tán càng tang thương.

Một cựu tù Thế Hệ 88 đang ở trại tỵ nạn Mae La bên Thái có giới thiệu tôi một người bạn tù của cô, (bà) Daw Nan Khin Htwe Myint, đang là dân biểu bang Karen sau đợt bầu cử hồi tháng 4 (2012) vừa qua. Trước khi ở tù bà đại diện cho Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ ở bang Karen. Không may So Twe tuy biết bà nhưng không biết tìm ở đâu.

Chúng tôi chạy dọc sông Thanlwin. Nước sông đục, chảy xiết bên những rặng núi đá vôi chập chờn giữa rừng cây và mây vắt ngang lưng chừng. Cảnh ở đây đơn sơ, không thấy dấu vết chăm sóc hay tàn phá từ bàn tay người. Núi còn nguyên vẹn, bờ sông không lát gạch hay đổ bê tông, nhà mái lá nhiều hơn lợp tôn, đỉnh núi đủ hình thù nhưng có chỗ bằng như mái nhà, vách núi dựng thẳng lên trời tưởng chừng khỉ cũng không leo lên được, mặt người thì thâm trầm câm nín. Giống như một thời hoang vu nào.

Khi chúng tôi đến núi Kyauk Kalap thì may sao trời vừa tạnh ráo. Người Miến đọc chữ này như ‘chocolate’ nên hễ nói núi ‘chocolate’ là họ hiểu liền. Có lẽ nên gọi là cột núi thì đúng hơn vì giữa một cái hồ rộng mênh mang, Kyauk Kalap là một hòn núi nhỏ và dựng đứng như một cái cột phình to ở trên đỉnh và phần chân, ở giữa thắt lại. Trên đỉnh có một cái tháp vàng nhỏ. Cột núi này nằm trên một cù lao đi mười phút là giáp vòng. Trên chiếc cầu nhỏ dài chừng ba trăm thước nối bờ với cù lao, các vị sư đi lại thong thả. Dưới bầu trời xám và trên mặt hồ yên lặng, hình núi càng cô độc vì in lên hậu cảnh là rặng Zwegabin nhiều lớp đâm xoạt vào mây. Trông Kyauk Kalap như một người độc hành ngất ngưởng và sừng sững dõi mắt nhìn khắp hướng. Cảnh đẹp và buồn đến lạ lùng.

Đến Pa An, ngồi lại bên cầu và ngắm hình núi đơn độc ấy cũng bỏ công.

Núi như một kẻ đầu đội trời chân đạp đất, xung quanh là nước hồ lênh láng cây cỏ mọc ngang tàng.

Chúng tôi băng qua cầu Thanlwin rồi quành ngược lên hướng bắc. Lúc tẻ vào con đường đất để đến động Kaw Goon từ thế kỷ thứ 8, trời mưa nặng hạt. Đất đá và bùn quyện với nước mưa khiến lắm khi tưởng không đi được. Nhưng So Twin đúng là chạy xe theo kiểu Miến, nước thì mặc nước, ổ voi ổ gà là chuyện của ổ voi ổ gà, anh ta cứ giữ nguyên tốc độ chạy băng băng. Dường như người Miến biết tập trung, dù cách họ làm việc thư thả đến sốt ruột, vì vậy khi đã làm chuyện gì thì họ cứ một việc đó mà làm. Tôi ngồi sau xe không khác gì cảnh năm ngoái năm kia đi Pyay và Minbu, chịu trận với những ngả đường Miến Điện. Nhưng đến động Kaw Goon mới thấy chẳng uổng công đội mưa ngược gió. Hàng ngàn tượng Phật nhỏ màu nâu sậm khắc hoặc gắn trên vách núi đá vôi như choáng hết cả bầu trời mưa gió ngoài kia. Triền núi khuyết ở chân nên như đi dưới một mái che làm bằng trùng trùng tôn tượng. So Twin cầm chổi quét những đống lá bịt đường rảnh dưới chân núi, xong lấy thau hứng nước mưa để tắm những tượng Phật lớn. Chỉ có hai đứa chúng tôi thơ thẩn, khép nép theo chân núi để ngắm tượng và những con chim sẻ cũng đang ép mình vào các hốc đá núp mưa. Phía sâu trong thạch động, nước ngập ngang mắt cá như một cái hồ nhỏ. Chúng tôi ngồi yên lặng trên một bậc đá, nghe mưa ngoài trời và tiếng nước nhỏ lên hồ. Mưa không dứt, chợt So Twe hỏi:

‘Muốn đi nữa không?’

‘Đâu?’

‘Còn động Kaw Ka Taung gần thôi.’

Bề nào cũng ướt hết rồi. Vậy là đi tiếp. Chúng tôi vòng vèo trên những đường đất nhỏ trơn ướt, nhắm một quả núi khác mà tiến. Động Kaw Ka Taung không lớn, nằm lưng chừng núi chứ không sát đất như Kaw Goon. Trên nóc động có một ô nhỏ thông lên trời, nước và ánh sáng từ trên rót xuống ngay đúng một tượng Phật lớn khiến pho tượng như phát ánh hào quang. Từ cửa động nhìn ra, cả một không gian rộng mở cây cỏ sông núi. Chúng tôi gặp một vị sư già ở một căn phòng dưới chân động. Ông sống ở đây một mình mấy mươi năm qua.

‘Vậy ăn uống làm sao?’

‘Sáng thầy đi khất thực, gần trưa mới về tới.’

Vị sư người Karen, vừa nói với So Twe vừa quét nước. Khi chúng tôi xuống bên dưới chạy xe đi, nhìn lui còn thấy bóng ông lom khom khi ẩn khi hiện giữa những tượng Phật vàng.

Ngày hôm sau So Twe chở tôi đi Vườn Lâm Tỳ Ni. Nói là khu vườn nhưng rộng hàng trăm mẩu ngay dưới đỉnh núi Zwegabin cao nhất bang Karen. Thác từ trên núi đổ ầm ầm xuống, từ những nhánh nước ấy, từ trong rừng cây cao thấp chỗ dầy chỗ mỏng, hiện ra một nghìn tượng Phật đắp y vàng. Mỗi tượng là một khuôn mặt, tượng mỉm cười, tượng trang nghiêm, tượng hé mắt, tượng điềm nhiên. Khuôn mặt Phật ở đây vô cùng thanh tú, khác hẳn những chỗ khác. Những tượng trong hang núi Po Win Taung, hay ở Bagan, nét điêu khắc thường để lại cho người chiêm bái một ấn tượng mạnh, có khi là ở môi, hay mắt. Nét mặt các pho tượng nơi đây lại có vẻ đẹp rất thanh thoát. Một điểm khác nữa là nhiều tượng bắt ấn đại định (lòng tay phải để lên lòng bàn tay trái), đây là nét mới vì hầu hết tượng Phật ở Miến Điện ngồi kiết già, tay bắt ấn chứng đắc (đầu ngón tay phải chạm đất).

Những pho tượng vàng đẹp như khối ngọc giữa trời, ngồi giữa rừng cây xanh và núi cao khiến sương khói tưởng cũng xao xuyến phải sà xuống thấp để chiêm bái. Mây sà che đỉnh núi, thỉnh thoảng một sợi mây trắng mong manh từ rừng cây lơ lửng vươn cao dần nhập vào những vầng mây cao. Thời gian lặng phắt. Bất chợt hiểu ‘thanh tịnh đại hải chúng’ là gì.

Tôi kể tên những người Karen ở trại tỵ nạn Mae La hy vọng So Twe quen biết người nào không. Anh nói có hàng trăm ngôi làng nên không biết hết được. Anh bảo Liên Minh Dân Tộc Karen (Karen National Union) mới ký hiệp định ngừng bắn với chính phủ nên không có ý định vượt biên, và có thể mai mốt những người bên Mae La sẽ kéo nhau về quê cũ. Cười:

‘Khi đó thì vui biết mấy. Chắc lần này ngừng bắn thiệt vì Daw Suu lên rồi.’

Anh hãnh diện khoe mới ngày hôm qua Daw Suu được Tổng thống Pháp tiếp đãi rất trọng thể. Tôi cũng tưởng ra ngày đó, một sáng kia những người tỵ nạn dắt dìu nhau từ biệt Thái. Từ Mae La về lại Karen, về quê cũ, chỉ cách nhau con sông Moei.

Họ sắp có ngày về sau hơn sáu mươi năm chiến đấu.

Từ Khanh
danlambaovn.blogspot.com