Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Ở bất kỳ nơi nào và không ở đâu cả


Phan Ba dịch từ Der Spiegel 17/1968 (22/04/1968)

Nghị sĩ Mỹ để cho người ta làm nhục mình: họ mang cờ trắng trên đường đi qua vùng đất của quân địch, rồi họ ngồi trên những chiếc ghế mà quân Đỏ đã cưa ngắn đi trước đó cho hợp với kích thước của châu Á.

Trước vòng cuối. Ảnh biếm họa của tờ Weltwoche, số 17 / 1968

Trước vòng cuối. Ảnh biếm họa của tờ Weltwoche, số 17 / 1968

Đó là năm 1951 ở Kaesong, khi người Mỹ, người Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lần đầu tiên thương lượng về việc bắt đầu đàm phán để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

17 năm sau Kaesong, lại vướng vào trong một cuộc chiến tranh tâm lý với người châu Á, người Mỹ không muốn bị hạ nhục một lần thứ nhì. “Chúng ta sẽ không đi đến bất cứ nơi nào và giơ một lá cờ trắng tượng trưng”, một phát ngôn của Tòa Nhà Trắng tuyên bố.

Tuy Lyndon Johnson luôn luôn quả quyết trong những tháng vừa qua, ông ấy sẵn sàng nói chuyện với Bắc Việt Nam về hòa bình ở Đông Nam Á “ở bất kỳ nơi nào và vào mọi thời điểm”.

Nhưng bây giờ khi Hà Nội đề nghị đàm phán về những cuộc đàm phán ở trong thủ đô Pnom Penh của Campuchia hay ở Warszawa thì mới lộ ra rằng với “ở bất kỳ nơi nào”, ông ấy hoàn toàn không có ý là “ở bất kỳ nơi nào”.

Người Mỹ từ chối – không chỉ từ nỗi lo sợ trước một Kaesong thứ nhì:

Washington nhất quyết đòi hỏi một nơi hội họp mà những người đàm phán của Hoa Kỳ (và nhà báo Hoa Kỳ) tự do đi lại và gửi những bức điện tín của họ ở phía sau bức tường của một Đại sứ quán Hoa Kỳ hoàn toàn không có tình báo của đối phương. Điều đấy là không thể ở Pnom Penh – vì Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Campuchia.

Washington bị đồng minh của mình, trước hết là Nam Việt Nam và Hàn Quốc, thúc ép, rằng chỉ chấp nhận một nơi hội họp mà cả họ cũng có đại diện ngoại giao. Warszawa không phải là một trường hợp như vậy (nơi duy nhất mà người Mỹ và người Trung Quốc đỏ nói chuyện với nhau), vì Ba Lan không có quan hệ ngoại giao với cả hai nước đó.

Để thay thế, người Mỹ đề nghị Genève hay các thủ đô ở châu Á Vientiane (Lào), Rangoon (Miến Điện), Jakarta (Indonesia) và New-Delhi (Ấn Độ).

Nhưng người Việt Nam không muốn thế: Hà Nội liên kết Genève với những hồi tưởng đen tối như người Mỹ với Kaesong: từ lần chia cắt được quyết định ở Genève năm 1954, Hồ Chí Minh có cảm giác bị cuỗm mất lần chiến thắng người Pháp của mình.

Hà Nội bị các đồng minh Trung Quốc đỏ của họ gây áp lực, chỉ gửi đại diện của mình, nếu như nói chung là có gửi đi, đến một nước châu Á mà Bắc Kinh có quan hệ tốt với nước đó. Đấy không phải là Lào mà cũng không phải là Miến Điện, không phải Indonesia mà cũng không phải là Ấn Độ.

Kết quả của cuộc giằng co về nơi hội họp: trong vòng mười hai ngày, các đại sứ của Washington và Hà Nội ở Lào trao đổi tám ghi chú về hội nghị và nơi họp, nhưng họ không tìm được một thỏa hiệp.

Thay vào đó, cả hai bên đẩy giá cho các cuộc đàm phán lên cao, bước đi bên cạnh “con đường ngoại giao là cả con đường của sự sẵn sàng về quân sự” (Johnson).

Tổng thống Mỹ nhượng bộ trước áp lực của các diều hâu Rusk, Westmoreland, Bunker và Rostow của mình, những người quả quyết với ông ấy rằng trong thời điểm này, chống lại những người Cộng Sản đã bị tổn thương bằng các phương tiện quân sự sẽ đạt được nhiều thành công hơn là với những cuộc đàm phán kéo dài.

Khúc mở màn hòa bình của Lyndon Johnson trong ngày 31 tháng 3 – liên kết với việc ông ấy từ bỏ ra ứng cử thêm một lần nữa – còn chưa tắt tiếng thì

Người Mỹ đã giải vây cho căn cứ Khe Sanh

Hơn 100.000 quân lính đồng minh bắt đầu chiến dịch “Toàn Thắng”

Phi công Mỹ thực hiện những cuộc công kích lớn nhất kể từ ba tháng nay ở Bắc Việt Nam. Ở Khe Sanh, nơi 80.000 tấn bom đã rơi xuống trong lúc bị bao vây, lính Mỹ hầu như không gặp phải kháng cự: đối thủ đã rút lui từ trước. Phi công trực thăng săn lùng từng người trốn chạy riêng lẻ một. Một thiếu úy pháo binh dùng một đại bác 105 milimét bắn 120 phát đạn vào một Việt Cộng.

Trong chiến dịch “Toàn Thắng”, quân đội Mỹ, Nam Việt, New Zealand và Úc tỏa ra trong mười một tỉnh – và họ cũng chiến thắng: đối thủ đã rút lui kịp thời.

Chiến dịch Toàn Thắng II (bảo vệ Sài Gòn)

Chiến dịch Toàn Thắng II (bảo vệ Sài Gòn): một chiếc trực thăng UH-1D đang đợi chỉ huy của Đại đội D, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 199, để đến vùng hành quân. Ảnh: Lawrence J. Sullivan, tháng 10/1968, Vietnam Center Archiv.

Trong cuộc chiến trên không, máy bay Mỹ bay cho tới 143 phi vụ một ngày và ném bom đất nước này giữa vùng phi quân sự và vĩ tuyến 19. Tàu tuần dương “St. Paul” bắn từ biển. Thế nhưng cả bom lẫn pháo chiến hạm đều không thể ngăn chận được cuộc tiếp tế của quân Đỏ.

Qua đường mòn Hồ Chí Minh, người Bắc Việt đưa lính mới và vũ khí vào miền Nam. Ở đấy, nơi người Mỹ vừa giải thoát cho 6000 người bị bao vây một vài ngày trước đó – ở Khe Sanh – lại có tử vong mới: vào ngày thứ ba tuần rồi, 19 người Mỹ chết, 56 bị thương và 14 còn được xem là mất tích.

Cả ở bên ngoài biên giới Nam Việt Nam, các lực lượng đỏ cũng chuẩn bị cho một lần tấn công mới – lần này, như người Mỹ lo ngại, là chống lại Lào: họ bao vây hai thành phố Lào, tấn công quân đội Lào và còn chuyển cả vũ khí hạng nặng sang Lào, trong đó có hỏa tiễn 140 milimét, súng cối 120 milimét và pháo chống tăng.

Thêm vào đó, người Bắc Việt tăng cường lực lượng phòng không của họ: chỉ trong vòng vài giờ, họ đã bắn rơi bốn máy bay phản lực của Hoa Kỳ; thường họ chào đón những người tấn công với hàng rào phòng không.

Trong lúc đấy, Lyndon Johnson – bị thúc ép bởi phe diều hâu ở quê nhà và phe diều hâu trong phái đồng minh – cố gắng không rơi ra khỏi vai trò là tổng thống hòa bình mặc dù tăng cường sử dụng vật chất Mỹ: ở Honolulu, ông ấy cố gắng chẩn bị tinh thần cho giới quân đội và đồng minh cứng rắn nhất của ông ấy, tổng thống Hàn Quốc Park, cho hòa bình.

Ông đã cho Park và mười một cố vấn của ông ấy – hình thức xoa dịu quen thuộc của Johnson – bay đến bằng một chiếc chuyên cơ của Hoa Kỳ. Thế nhưng người Hàn Quốc đấy vẫn cứng rắn: ông ấy chỉ ra đi sau khi Johnson bảo đảm với ông ấy rằng sẽ không đưa ra quyết định nào mà không hỏi ý kiến người Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ hoài công kêu gọi Hà Nội thêm một lần nữa, cuối cùng rồi cũng hãy chấp nhận một trong những đề nghị của Mỹ.

Để dồn ép người Bắc Việt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rusk mở rộng quyển danh mục những nơi hội họp của Mỹ thêm mười nước nữa, những nước mà trong đó có thể tiến hành các cuộc trao đổi đầu tiên: Ceylon, Nhật, Afghanistan, Pakistan, Nepal, Malaysia, Ý, Bỉ, Phần Lan và Áo. Paris và Budapest đề nghị được phục vụ, và cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Việt Nam Trần Ngọc Ninh đề nghị như một sự thỏa hiệp, rằng người ta cứ đơn giản là hãy đàm phán ở vùng phi quân sự.

Thế nhưng người Cộng Sản đầu tiên chỉ trả lời qua cơ quan của Đảng, tờ “Nhân Dân”: “Chúng ta yêu cầu thêm một lần nữa, rằng chính phủ Mỹ … đồng ý bắt đầu các cuộc họp tại Pnom Penh hay Warszwa ngay lập tức.”

Dư luận thế giới, tờ báo chế nhạo, sẽ bắt buộc người Mỹ đi đến bàn đàm phán. Vì theo Johnson, để đàm phán người ta chỉ cần “một căn phòng, một cái bàn và một nhóm người sẵn sàng nói chuyện với nhau trong sự tôn trọng.”

“Chính phủ Johnson”, nhà báo Hoa Kỳ nổi tiếng James Resten bình luận về tính không linh hoạt của người Mỹ, “một lần nữa lại gặp phải khó khăn – chỉ vì họ có khuynh hướng hứa nhiều hơn là họ muốn giữ lời.”

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 17/1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46106847.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét