Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

LẠM PHÁT ĐANG QUAY TRỞ LẠI ?



         

  (Bài viết đã được đăng trên Báo công an Đà Nẵng phát hành ngày 27/9/2012)

 

Sự đảo chiều của lạm phát đã thật sự gây “sốc” khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9/2012 lên đến 2,2%, cao nhất kể từ 16 tháng trở lại đây (5/2011). Dịch vụ y tế & giáo dục cùng với các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đã trở thành tác nhân chính khiến “cơn bão” lạm phát có khả năng quay lại vào cuối năm
            “Mầm mống” của lạm phát

 

           

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng mạnh lên 2,2%, vượt dự đoán của các chuyên gia kinh tế và cơ quan thống kê. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, thời gian tới, nền kinh tế có quá nhiều yếu tố bất lợi để “hãm phanh” và  việc khống chế lạm pháp năm 2012 sẽ trở nên nan giải. Ngay đầu tháng 8, cơ quan giám sát tài chính quốc gia đã khuyến cáo các nhà điều hành  không thể chủ quan với lạm phát. “Độ trễ” của lạm phát bao giờ cũng nằm trong vòng 6 tháng, nếu tỉ lệ bình quân 1% / tháng trong 4 tháng cuối năm, lạm phát sẽ là 2 con số. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô vào năm 2013.
Ba lần tăng giá xăng (1/8, 13/8 & 28/8) với mức tăng +2.650 đồng/lít đã khiến cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng vọt. Trong lúc này, nếu như Bộ tài chính tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng vào những tháng cuối năm, CPI sẽ “bùng nổ” dưới tác động tiêu cực của mặt hàng xăng dầu. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm của “rổ hàng hóa” tính CPI, thuốc và dịch vụ y tế tăng đột biến nhiều nhất vơi tỉ lệ 17,02%. Trong đó, dịch vụ y tế tăng 23,87% do các tỉnh, thành  đã áp dụng giá viện phí mới trong tháng 9. Đây là hệ quả tất yếu của việc thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc điều chỉnh khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm, dịch vụ giáo dục trong mùa khai giảng cũng tăng mạnh khiến chỉ số của nhóm này tăng 10,54%.
Một vấn đề được mọi người quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng tăng không xuất phát từ “sức mua” của người dân mà do quyền số của các nhóm y tế, giáo dục, giao thông (xăng dầu) tăng mạnh. Điều này được cảnh báo như là một nguy cơ tái lạm phát và diễn biến này sẽ xảy ra từ nay đến cuối năm, phá vỡ mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 1 con số của Chính phủ. Nhận định về thực trạng này, TS Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, thâm hụt ngân sách năm nay rất cao do nguồn thu gặp nhiều khó khăn. Tình thế này buộc Chính phủ phải tìm nguồn tài trợ khác, thực hiện những chính sách làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, gieo mầm lạm phát. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình giá thị trường như vừa qua đã chứng minh cho thấy khuynh hướng này đã xảy ra. Nếu CPI tiếp tục tăng đến 2% trong những tháng tiếp theo, vấn đề lạm phát sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Mặt khác, lạm phát lần này đột ngột bộc phát trong lúc tăng trưởng tín dụng rất thấp. Đây  là một dấu hiệu đáng lo ngại vì chỉ số giá tiêu dùng tăng do chi phí đẩy, đình đốn sản xuất chứ không phải do các yếu tố tiền tệ. Và như thế, bài toán ngăn chặn lạm phát sẽ trở nên rắc rối hơn so với những năm về trước. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đang ở “vùng trũng mấp mô”, lúc lạm phát bùng lên, tăng trưởng ở mức cao, sau đó bị “kéo giật lùi”, giảm phát rồi lại tái lạm phát. Một vòng xoáy lạm phát có thể xảy ra ? Xu hướng này đã xuất hiện từ năm 2008 đến nay, có khả năng kéo dài đến năm 2015. Chính vì vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả của Bộ tài chính) cho rằng, việc dồn dập tăng chi, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã tác động làm đảo chiều xu hướng giá cả. Lạm phát cao quay trở lại đã rõ rồi, chứ không còn chỉ là nguy cơ. Việc CPI cả nước tăng hơn 2 % trong tháng 9 rất đáng lo ngại bởi chưa năm nào tăng cao như thế cả.

Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu !


Viên phí, điện, nước và xăng dầu là 4 nhóm hàng hóa cần phải được ngăn chặn trước khi “bóng ma” lạm phát quay trở lại. Việc điều chỉnh tăng giá thường xuyên các mặt hàng thiết yếu thường tạo ra những “đột biến” về chỉ số lạm phát, đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế, khiến chính sách vĩ mô đi chệch hướng. Và đó cũng lời cảnh báo chính thức cho các nhà điều hành chính sách hiện nay. Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả thị trường (Bộ Tài chính), cảnh báo, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục quá lớn thường tạo thay đổi khác biệt lên CPI mà quá khứ đã từng chứng kiến vào giai đoạn cuối năm 2010. Theo xu hướng chung, giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm sẽ biến động khó lường, các nhân tố ảnh hưởng lớn đến lạm phát vẫn còn tiềm ẩn.
Không dừng lại ở tháng 9, người dân lại đang đối mặt với việc tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu vàocác tháng tiếp theo. Các cây xăng lại treo bảng “hết xăng”, dấu hiệu của đợt tăng gía mới, ngành điện lại “ngấp nghé” lên giá khi họ có quyền được xem xét lại giá bán sau 3 tháng quy định, gas dự kiến tăng thêm 20.000-30.000 đồng/bình (12 kg), nhiều hãng sữa vừa thông báo sẽ tăng 3,8%-5%,... Tất cả đều “nhúc nhích”, chuẩn bị cho một  tăng giá hàng hóa, khiến CPI có thể tiếp tục “bùng phát” vào quý 4/2012. Để đối phó với tình trạng này, một chuyên gia kinh tế độc lập  cho rằng, giải pháp tốt nhất lúc này là Chính phủ phải “neo” giá của những dịch vụ công như điện, nước, xăng dầu và viện phí. Thậm chí, ngân sách phải chấp nhận bội chi, tìm những nguồn vốn vay để tạm hỗ trợ cho nền kinh tế. Điều đó có nghĩa, Nhà nước phải gánh nhiều hơn thay vì đẩy gánh nặng cho dân chúng và thị trường nhằm giúp cho chỉ số CPI giảm đi.
Bên cạnh đó, các nhà điều hành chính sách vĩ mô cần phải cẩn trọng với “gói” nới lỏng định lượng QE3 của Fed (Mỹ). Với tốc độ “bơm” 40 tỉ USD/mỗi tháng (không giới hạn thời gian), Việt Nam và các nền kinh tế trên thế giới đang đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát ? Kinh nghiệm từ những năm về trước, mỗi lần nước Mỹ “bơm” gói định lượng QE, giá xăng dầu và hàng hóa thế giới lại “bùng phát”, tác động mạnh đến chỉ số CPI của Việt Nam. Một nhân tố tác động mạnh là giá vàng thế giới có xu hướng tăng, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ trở lại trong lúc nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế. Nếu NHNN cho phép nhập khẩu vàng hoặc gia tăng nguồn cung vàng từ các thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường thì tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu vàng tăng cao. Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến  nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài do nguyên nhân từ “gói” định lượng QE3 vừa tung ra.
Trong bối cảnh đó, để chống giảm phát và suy thoái, Chính phủ quyết định tiếp tục giải ngân khoảng 130.000 tỷ đồng từ vôn ngân sách và trái phiếu cho các công trình đầu tư công trong cả nước. Tuy nhiên với mức giải ngân  “ồ ạt” bình quân mỗi tháng 21.000 tỉ đồng (cao hơn 1,5 lần mức giải ngân vốn đầu tư công của 6 tháng đầu năm), chúng ta khó có thể kiểm soát được hiệu quả của dòng tiền. Số liệu này khiến nhiều người lo ngại, động thái "tháo khoán" đầu tư công có thể coi là tiền đề của sự bất ổn kinh tế và lạm phát sẽ quay trở lại. Nhận định về giải pháp này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: “Việc bơm một khối lượng lớn đầu tư công và tín dụng trong một thời gian quá ngắn có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát và bất ổn vĩ mô mới, cái vòng xoáy luẩn quẩn mà chúng ta luôn vấp phải trong mấy năm nay. Đó là cứ đầu năm thắt chặt, giữa năm tháo khoán để rồi đầu năm sau lại phải thắt chặt trở lại”. Chính vì vậy, để chỉ số CPI đạt 1 con số với tỉ lệ 7%, vốn ngân sách phải “bơm” đúng địa chỉ, tạo việc làm, kích thích tăng trưởng và ưu tiên các dự án hoàn thành sớm. Nếu ngược lại, đầu tư tràn lan, không hiệu quả, lạm phát sẽ bùng phát trở lại là điều tất nhiên. Và như thế, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết thanh tra để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá hàng hóa thiết yêu vô tội vạ, tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân.



.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét