Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Kinh tế quay mặt ra biển


Mạnh Bôn

(baodautu.vn) Bình luận về Luật Biển Việt Nam dành hẳn một chương quy định về phát triển kinh tế biển, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) hy vọng: “Lần đầu tiên, chúng ta có văn bản pháp lý cao nhất quy định vừa tổng thể, vừa cụ thể nhằm phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả.
 
Đây là nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.


Thưa ông, nhiều người nói, thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương”.
Vì thế, việc thông qua Luật Biển Việt Nam với các quy định tổng thể và cụ thể nhằm phát triển kinh tế biển là phù hợp với xu hướng của thời đại?
Đúng là thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Vấn đề khai thác biển đã trở thành mối quan tâm mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và không có biển. Trong điều kiện nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, thì biển ngày càng được quan tâm hơn. Sự phát triển dân số thế giới làm cho không gian kinh tế truyền thống đã trở nên chật chội, nhiều nước bắt đầu “quay mặt ra biển” và nghĩ đến các phương án biến biển và hải đảo thành lãnh địa, thành không gian kinh tế mới.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường Biển Đông. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Vì thế, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cũng đã thực hiện nhiều chính sách “quay mặt ra biển”, dựa vào biển để phát triển kinh tế.
Và Việt Nam phát triển kinh tế biển cũng không phải là ngoại lệ, thưa ông?
Việt Nam có 3.260 km bờ biển, 2.773 đảo ven biển với tổng diện tích khoảng 1.630 km2. Chúng ta còn có cả vùng biển rộng lớn gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, trong đó chứa rất nhiều nguồn tài nguyên vô giá, ngoài tài nguyên động vật và thực vật phong phú, đa dạng, chúng ta còn sở hữu nhiều loại tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Những tài nguyên này góp phần quan trọng giúp kinh tế biển và ven biển của nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng 10%/năm, đóng góp khoảng 50% GDP cả nước.
Trong một vài thập kỷ tới, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông tăng gấp 2 - 3 lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, bước vào thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh ra biển để tăng cường tiềm lực kinh tế.
Thưa ông, ngoài Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, chúng ta đã có những chính sách gì để “quay mặt ra biển”?
Chúng ta đã ban hành rất nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách, dự án, đề án, chương trình để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển của Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”… Nghị quyết 09-NQ/TW xác định 5 lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên chiến lược là khai thác, chế biến dầu, khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng KKT, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển với mục tiêu đặt ra là, đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta. Phát triển nhanh một số KKT, khu công nghiệp ven biển”.
Tôi cho rằng, thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TW và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 chính là đưa Việt Nam “trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh về số lượng KKT ven biển được một số chuyên gia kinh tế cho là dàn trải, thưa ông?
Năm 2008, Thủ tướng phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các KKT ven biển đến năm 2020” xác định rõ phương hướng hình thành hệ thống 15 KKT ven biển gồm, Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, Phú Quốc, Định An và Năm Căn. Việc xây dựng 15 KKT này đã được tính toán khoa học, không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, mà còn tính đến tương lai xa hơn. Quy hoạch KKT ven biển cũng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là xây dựng các KKT, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển được coi là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên mang tính chiến lược để tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và xa hơn.
Nhưng trên thực tế thì nhiều KKT ven biển vẫn chỉ là quy hoạch?
Mục tiêu đặt ra, KKT ven biển sẽ là những hạt nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là đối với các vùng nghèo ven biển; tạo tiền đề thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài một số KKT ven biển đang được đầu tư mạnh mẽ, nhìn chung nhiều KKT ven biển gần như chưa có chuyển động đáng kể. Và nếu không có gì thay đổi mang tính đột biến, thì trong 10 năm tới Việt Nam vẫn khó có được một KKT ven biển nào tầm cỡ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Để phát triển KKT ven biển, theo tôi, cùng với việc xây dựng hệ thống các KKT ven biển, có thể lựa chọn một vài khu xây dựng thành KKT tự do ven biển, nhằm tạo sự đột phá đủ lớn, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế biển với mục tiêu “trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%2520content 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét