Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Blog phản biện xã hội


Đăng trên tạp chí Nhà Quản Lý 21/6/2009

Khi cư dân mạng Việt Nam làm quen với blog, vào thời điểm cuối năm 2005, dường như những trang viết đầu tiên thiên về giải trí, bộc lộ đời sống cá nhân và tình cảm. Sự phổ biến của Yahoo!360 làm nhiều blogger Việt Nam khi nói tới việc viết blog tức là nói tới Yahoo!360.

Nhiều người có tới hai, ba blog khác nhau. Để giải thích điều này, một số blogger cho rằng, ngay cả khi sử dụng blog họ cũng tách bạch công việc và thú vui, gia đình. Những blog đăng ảnh gia đình, tâm sự bạn bè có thể đặt chế độ ẩn, và những blog liên quan tới công việc, dành cho các đồng sự và cư dân mạng thì họ mới đặt chế độ xem và viết lời bình tự do.

Một cách tự nhiên, blog và thông tin trên blog đã gắn với công việc, quan điểm của người viết. Vì thế, không ngạc nhiên khi từ đầu năm 2008 đến nay, những blog nổi bật nhất trong xã hội ảo blogger Việt Nam chính là những blog của các nhà báo, các biên tập viên và những người làm nghề gắn với truyền thông tại Việt Nam. Có thể bình chọn những blog có tính chất báo chí chính là hiện tượng “nóng” và thu hút người đọc nhất trong hai năm qua.

1. Trách nhiệm với thông tin trên blog:

Định nghĩa blog ban đầu là “nhật chí – những ghi chép hàng ngày” giờ đã trở thành “nhật chí – kho tư liệu cá nhân” với những tập hợp bản thảo đầy đủ nhất về mọi lĩnh vực. Nhà báo thường lựa chọn blog để lưu giữ những tư liệu tham khảo trước khi viết bài, những bản thảo chưa đăng hoặc tập hợp những bài báo đã đăng rải rác theo chủ đề cụ thể. Vì thế, blog dầy dặn thông tin nhất tất nhiên là những blog của nhà báo.

Rất nhiều nhà báo đã không giấu diếm danh tính và các thông tin cá nhân trên blog của mình, trong đó có những phóng viên của hầu hết những tờ báo hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị, Tiền Phong, Phụ nữ TPHCM, Pháp Luật TPHCM, Vietnamnet, Du Lịch v.v… Chính điều đó là yếu tố đầu tiên tạo nên sự tin cậy của cư dân mạng với những nội dung trên các blog đó. Công khai danh tính tức là chịu trách nhiệm cao nhất đối với những thông tin đưa lên blog, điều này không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm của những người cầm bút trong thế giới thật đang chấp nhận “đối đầu” với những nguy cơ và sức ép của thế giới ảo, mà còn là một cách có trách nhiệm với xã hội trẻ (đa phần blogger là người trẻ), khuyến khích những bạn trẻ tránh lối viết ám chỉ, tránh mạo danh, nặc danh để viết bôi nhọ cá nhân, đưa thông tin độc hại, đồi trụy, mê tín dị đoan.

Nói một cách thẳng thắn, thì thời gian các bạn trẻ tiêu phí trên blog Osin, Chung Do Kwan, Võ Đắc Danh (báo Sài Gòn Tiếp Thị), bố cu Hưng (báo Pháp luật TPHCM), hay VMC (báo Lao Động) hoàn toàn xứng đáng, nếu so sánh với một vài trang tin điện tử tuy cung cấp thông tin mà không cung cấp quan điểm, hoặc đăng tải rất nhiều thông tin giải trí, đưa mục truyện cười, ngôi sao lên đầu trang chủ nhưng lại vô bổ đối với sự trưởng thành nhận thức của người đọc.

Những bài viết trên blog được post từ những bài báo đã hoặc sắp đăng báo, có dữ liệu đáng tin cậy, được kiểm chứng, đồng thời có thêm những thông tin ngoài lề khiến không bạn đọc nào cưỡng nổi sức hấp dẫn của những blog dạng này.

Ngoài ra, sự tin cậy của bạn đọc với nhà báo cũng biến thành sự tin cậy của cư dân mạng với các blogger là nhà báo. Hiện tượng nhà báo trở thành “ngôi sao blog” không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan. Chỉ khác một điều, tại Việt Nam, sự giáo dục tự chủ, tự ra quyết định và tôn trọng tiếng nói cá nhân chưa được nhấn mạnh như ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Vì thế, nhiều blogger chưa làm quen được với những quy tắc ứng xử công bằng trên thế giới ảo, không nhiều blogger đưa ra ý kiến cá nhân và quan điểm cá nhân mạnh mẽ trước các vấn đề văn hoá xã hội. Trong hoàn cảnh như thế, những blogger nhà báo “bỗng dưng” trở thành những Opinion Leader – những người dẫn dắt ý kiến, hiện thực hoá những lý thuyết, thu hút một đám đông người đọc khổng lồ theo sau.

Đã có những mối lo ngại về sức ảnh hưởng cộng đồng của những blog có chủ nhân là nhà báo, người làm truyền thông, văn học nghệ thuật. Thật sự như vậy, bạn đọc sẽ thích một câu chuyện cụ thể hơn những diễn văn dài dòng, thích tiếp nhận thông tin qua blog hơn ngồi đọc một quy định bằng văn bản.

Giá trị thông tin được đưa lên blog nhà báo, phóng viên giá trị và hấp dẫn tới nỗi, không ít công ty quảng cáo đã nhòm ngó tới mảnh đất béo bở này. Năm 2008, đã từng có công ty quảng cáo lập dự án “trả lương” hàng tháng cho gần một trăm blogger nổi tiếng trong thế giới blog Việt, trong số đó có tới gần 80% là các blogger là nhà báo. Công ty quảng cáo dự định trả tiền đều đặn ngay cả khi blogger đó không viết bài nào trong tháng. Để đổi lại, các blog có thể sẽ đồng loạt tham gia các chương trình quảng bá, các event, đưa lên các reviews (bình luận) về một sản phẩm nào đó.

Dự định này phá sản bởi ngay khi thăm dò và ký hợp đồng với các blogger nhà báo đầu tiên, công ty đã vấp phải sự từ chối. Nhiều người cho rằng họ không viết blog để kiếm tiền, hoặc họ tuy quen kiếm tiền bằng ngòi bút (bàn phím), nhưng là tiền nhuận bút được trả từ toà soạn, từ bạn đọc mua báo, chứ không phải khoản tiền nhận từ công ty quảng cáo. Và hơn hết, họ coi blog là để đến với nhiều người đọc hơn nữa, chứ không phải là một kênh quảng cáo đánh bóng tên tuổi, bút danh của mình.

2. Blog Việt định hướng thông tin và khuyến khích tư duy tích cực:

Giá trị phản biện xã hội của blog được nhắc đến đầu tiên là sự tích cực phát hiện thông tin, l��
�t lại vấn đề. Những bài viết nêu ra thông tin về cuốn truyện dài “Ma Chiến Hữu” của nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) về cuộc chiến Việt- Trung năm 1979 gây ảnh hưởng xấu với những người đọc Việt Nam, thông tin về website của Bộ Công Thương Việt Nam đăng tải những thông tin vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo, thông tin kèm video về những cảnh sát giao thông chặn bắt người vi phạm để ăn hối lộ, ý kiến nhiều chiều về vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, những quảng cáo trái phép tràn lan tại Hà Nội của đạo Thanh Hải Vô Thượng Sư, vấn đề chủ quyền biển đảo trước việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… Những thông tin trên đi từ blog lên báo chí, tới bàn nghị sự và chất vấn của các lãnh đạo các cấp, các Bộ ngành. Hiệu ứng xã hội từ blog không còn thu hẹp trong thế giới ảo nữa.

Có người cho rằng tiếng nói phản biện là thành công lớn nhất của thế giới blog Việt, tính cho đến khi Yahoo đóng cửa dịch vụ blog 360 vào ngày 13/7/2009 sắp tới.

Cũng có những nhà quản lý lo ngại rằng, tầm ảnh hưởng của những thông tin trên blog, nhất là tính chất phản biện mạnh mẽ của những blog nhà báo, sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn, bình ổn và trật tự của xã hội. Đã từng có bài báo trên các báo trung ương và địa phương, chỉ ra những tên blog nổi tiếng (đa phần là blog của các nhà báo quen thuộc) và lên án những ý kiến đa chiều trên đó. Thậm chí đã có những bài báo khiến giới blogger nổi giận.

Tuy vậy, có thể hiểu rằng những lo ngại đó là có căn cứ. Nhưng cũng có thể hiểu rằng, những blog đưa quan điểm, giúp con người vững vàng trong luận điểm, khơi gợi những giá trị quý giá trong con người trẻ tuổi như yêu tự do, yêu nước, yêu dân tộc, tiếp nhận sự khác biệt trong văn hoá và tư tưởng, chuẩn bị hành trang để vững vàng trong thế giới thông tin nhiều chiều, lật lại mọi vấn đề để xem xét và đưa ra nhận định cá nhân, là những điều chúng ta nên trân trọng mới đúng.

Thế giới rộng lớn, ngày càng lớn và nhiều thông tin, blog giống một tấm lọc tích cực dẫn luồng thông tin và ý kiến. Nhà quản lý xã hội nên tận dụng ưu điểm đó hơn là e ngại.

Trang Hạ

P/S: Bài này được một tờ báo đặt hàng và sẽ đăng vào dịp 21/6. Các bài liên quan:

1. Thiệp hồng của Ngô Ngọc Ngũ Long và Đinh Tấn Lực (blog Đinh Tấn Lực)

2. Cuộc đấu tố mới (Talawas)

3. báo SGGP nhắc tên các blog nổi danh, khiến blog kwan nối giận. (blog Ngoc n)

4. trả lời cho “cái mũ” (blog Chung Do Kwan)

5. ảnh liên quan: (từ blog Đen)


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét