Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Bầu Cử Trong Mắt Bão


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121-2

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Giữa Cảnh Vần Vũ Của Thế Giới, Hoa Kỳ Hồn Nhiên Ngó Vào Trong
 
* Người ta "nhất trí" bên mình đa nguyên! Hình Quốc hội Trung Quốc *


Trong năm tuần sắp tới, Hoa Kỳ sẽ treo "miễn chiến bài" với thiên hạ vì có cuộc tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba mùng sáu Tháng 11. Nhân dịp đó, chúng ta nên liếc vào thiên hạ sự, từ giác độ của nước Mỹ....

Trong các cuộc họp báo của Tổng thống Hoa Kỳ sau khi hội kiến nhiều vị nguyên thủ quốc gia tại Tòa Bạch Cung, nước Mỹ thường làm dư luận thế giới và các đồng minh khó chịu. Chẳng hạn như khi họp hành xong với lãnh tụ Anh, Nhật, Đức, Pháp, lãnh đạo Mỹ cùng vị khách bước ra nói chuyện với báo chí rồi có vài câu hỏi đáp. Khi đó, thiên hạ thấy nhiều khi truyền thông Mỹ lờ hẳn vị nguyên thủ của nước ngoài mà chỉ tập trung hỏi chuyện Tổng thống của mình, về các vấn đề thời sự của Hoa Kỳ.

Vị thượng khách kia phải lịch sự và kiên nhẫn đứng bên như làm cảnh, trong khi chủ nhà đối đáp với báo chí bản xứ về các đề tài có thể giải trình vào dịp khác.

Sự quan tâm của dân Mỹ về vấn đề của nước Mỹ là chính đáng, nhưng khi báo chí Mỹ không có sự lịch sự tối thiểu với các lãnh tụ đồng minh, người dân của các nước đồng minh đó không vui. Mà chuyện ấy, truyền thông Hoa Kỳ cũng bất cần, chỉ lâu lâu ngây ngô tự hỏi là vì sao thiên hạ lại ghét Mỹ!

Một thí dụ khác là trong phiên họp tuần trước của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Barack Obama đến trụ sở Liên hiệp quốc đọc bài diễn văn của mình và lập tức ra về để cùng phu nhân xuất hiện trên chương trình hội luận "The View" của các bà. Ngược với thông lệ hàng năm từ mấy chục năm nay, Tổng thống đệ nhất siêu cường không hội kiến với bất cứ một nguyên thủ nào mà giành thời giờ  cho việc vận động lá phiếu phụ nữ qua chương trình truyền hình đó.

Nhìn từ bên ngoài, thiên hạ hiểu ra ưu tiên của lãnh đạo Hoa Kỳ - tranh cử đã! Trong khi thế giới đang bị nhiều chấn động với những hậu quả bất lường. Bài viết này xin điểm sơ về biến động ấy, khi chúng sẽ dội về nước Mỹ sau ngày Tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào năm tới.

Hoa Kỳ mất bốn ngàn tỷ đô la và 10 năm tập trung vào trận chiến chống khủng bố Hồi giáo sau vụ 9-11 đầy bất ngờ vào năm 2001. Khi chuẩn bị rút khỏi hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ bị một bất ngờ khác là phong trào chống đối của dân Hồi giáo trong các nước Bắc Phi và Trung Đông mà người ta gọi là "Mùa Xuân Á Rập".

Khác với cuộc cách mạng dân chủ muôn màu tại Đông Âu và Trung Âu, do Hoa Kỳ cùng Âu Châu gián tiếp yểm trợ, Mùa Xuân Á Rập hay "Cách mạng Hoa nhài" là biến cố tự phát khởi đi từ Tunisia và Egypt rồi lan qua Libya rồi Syria và thực tế là có gây lúng túng cho lãnh đạo Hoa Kỳ và Âu Châu vào đầu năm ngoái.

Một số lãnh tụ Á Rập Hồi giáo bị lật đổ và chế độ mới đã thành hình tại Tunisia, Libya và Egypt để mở ra một kỷ nguyên mới. Dư luận lạc quan thì nói đến làn sóng dân chủ - người viết này không thuộc thành phần đó – nhưng đấy là chuyện nội bộ của các nước Á Rập. Sau đó, chủ trương hành động của các chính quyền mới, trước hết là tại Egypt, mới là vấn đề của Hoa Kỳ.

Người dân bản xứ đã lật đổ các chính quyền độc tài thân Mỹ từ mấy chục năm qua, các chính quyền mới ra đời sẽ đấu tranh với nhau để giành quyền lực và xác định chủ trương của họ với Hoa Kỳ, và với đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực, là Israel.

Nằm giữa mắt bão để nhìn vào cái rốn của mình, người Mỹ đang khám phá là Mùa Xuân Á Rập không đồng nghĩa với Cách mạng Dân chủ. Các chính quyền tân lập đang xét lại đối sách của họ với Hoa Kỳ từ hai giác độ: quốc gia và tôn giáo. Về quyền lợi quốc gia, họ cân nhắc lợi hại của giải pháp hợp tác và viện trợ đi cùng thế liên kết về an ninh với Israel. Về tôn giáo, họ so sánh hai hướng văn hóa khác biệt giữa Hoa Kỳ (và cả Âu Châu) với giáo luật của đạo Hồi.

Sự khác biệt, phải nói là xung khắc, dễ gây ra mâu thuẫn với nước Mỹ. Lồng bên trong vẫn còn bài toán Palestine nan giải và chính sách cai trị của Israel tại Tây ngạn sông Jordan và Dải Gaza.

Nói cho phũ, Mùa Xuân Á Rập bứt luôn cái neo ổn định của Hoa Kỳ trong khu vực Trung Đông. Chính quyền mới, nhậm chức từ ngày 20 Tháng Giêng năm tới, phải tìm giải pháp khác mà thật ra cũng gãy đòn bảy vì khó tác động vào sự hình thành và trưởng thành của các chế độ mới trong khối Á Rập. Nói cho phũ phàng hơn nữa, trào lưu dân chủ nếu có trong khối Á Rập này thì cũng chẳng có lợi cho Hoa Kỳ, ít ra trong cả chục năm nữa.

Đâm ra mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ - được Tổng thống George W. Bush cổ xuý từ đầu năm 2005 – và thực tế Hồi giáo phức tạp hơn những ước mơ của Tổng thống Obama từ năm 2009 sẽ khiến Hoa Kỳ phải rà lại đối sách với thế giới Hồi giáo. Trong đó còn có hai thùng thuốc súng Iran và Syria, cùng ngòi nổ Israel, và lập trường của Turkey, hay Saudi Arabia.

Điều đáng buồn và đáng sợ là ta sẽ không thấy hai ứng cử viên tổng thống đề cập tới chuyện này trong cuộc tranh luận thứ nhì!

Cùng ngày Tổng thống Mỹ ngỏn ngoẻn trên truyền hình hôm 25, tại Đông hải, Trung Quốc chính thức.... "đưa vào sử dụng" hàng không mẫu hạm "Liêu Ninh" của mình sau 15 năm sửa sang và sơn phết. Ôi cái chữ ngô nghê kênh kiệu của người Hà Nội: đưa vào sử dụng với mã số 16, là sử dụng cho việc huấn luyện mà thôi.

Phải vài thế hệ nữa, may ra Hải quân Trung Quốc mới có thể nói chuyện đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ, vốn dĩ đã có "tầu sân bay" từ trăm năm trước và dày dạn kinh nghiệm chiến trường hơn mọi quốc gia khác của địa cầu trong suốt thế kỷ 20.

Đâm ra viểu tượng Liêu Ninh là vở hát bội Bắc Kinh. Trung Quốc xoè ra cái thế ăn to nói lớn với thiên hạ trước khi có cái lực, và Liêu Ninh chưa thể đe doạ được bất cứ ai thì lại làm các lân bang giật mình. Những bạo động liên tiếp trong vụ tranh chấp với Nhật Bản về năm hòn sỏi chơ vơ giữa biển Hoa Đông khiến các nước đều nghĩ đến nhu cầu phòng thủ.

Đúng 40 năm sau khi giải vây cho Trung Quốc - chuyến Hoa du của Tổng thống Richard Nixon năm 1972 – Hoa Kỳ đang phải xét lại, và nói đến nhu cầu "chuyển trục" tại châu Á sau khi rút chân khỏi vũng lầy Hồi giáo. Lý do vẫn là Trung Quốc.

Bắc Kinh đang khiến các quốc gia Á châu nghĩ đến việc xây dựng một "Vạn lý Trường thành" ở ngoài biển. Từ Vịnh Bengale bên Ấn Độ dương xuống tới Úc, qua Eo biển Malacca lên tới vùng biển Đông Nam Á rồi Đông Bắc Á bên Thái bình dương, chuỗi phòng thủ của các quốc gia bán đảo và hải đảo đều có một gác canh sừng sững là Hoa Kỳ với Hạm đội Thái bình dương.

Khi ấy, Hoa Kỳ sẽ làm gì, tính sao?

Trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay, hai ứng cử viên mới chỉ xoa bóp ngoài da bằng thủ thuật chống Trung Quốc vì quan hệ mậu dịch. Thật ra, vấn đề quan trọng hơn lại nằm trong lãnh vực chiến lược.

Tranh chấp Hoa-Nhật hiện nay có thể khiến lãnh đạo Hoa Kỳ nghĩ tới mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc trước đây. Thời trước, nước Mỹ gõ vào cả hai phím đàn Nga Hoa để khỏi tốn một viên đạn mà vẫn đạt mục tiêu của mình. Lần này, sự tình có lẽ cũng vậy, với các phím bật của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi....

Nhưng chuyện ấy, xin hậu xét sau khi Hoa Kỳ ra khỏi mắt bão và hoàn tất cuộc tổng tuyển cử. Trong khi chờ đợi, thế giới sẽ phải chịu đựng những sinh hoạt rất lạ kỳ của bầu cử Mỹ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét