Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

BỆNH THÀNH TÍCH: ĐỪNG TƯỞNG BỌN TRẺ KHÔNG BIẾT GÌ



Image

Ảnh minh học (intrnet)

Lâu nay, người ta nói mãi về “bệnh thành tích”. Đó là cách nói giảm nhẹ đi mức độ chứ còn nói một cách sòng phẳng với nhau phải là “bệnh giả dối”, tức là không có, không đạt được thành tích như thế nhưng vẫn cố gắng trưng bày ra, báo cáo cao hơn khả năng có thể.

Lúa tui là một cô giáo, bởi vậy cũng chẳng khó khăn gì mà không hiểu được tâm trạng của những giáo viên có tuổi đời, tuồi nghề có tâm và tầm trong nghề này. Đa phần họ ghét, lên án. Tuy nhiên số lượng ghét thì nhiều nhưng dám nói, dám lên án lại rất ít, thậm chí đếm trên đầu ngón tay. Quan trọng là, lãnh đạo muốn thế, mà cái sự dối trá này nó lại “có lợi”, đem lại uy tín cho nhà trường, cho bản thân giáo viên, nó chỉ có hại cho xã hội mà thôi. Mà xã hội thì lớn lắm, rộng lắm nên còn lâu mới thấy tác hại….Có khi nói ra lại thiệt vào thân, lương giáo viên đã thấp rồi, thôi thì….Cứ thế, người ta chặc lưỡi để rồi…làm ngơ cho qua, dần dần là thoải hiệp…rồi đi đến hợp tác đắc lực. Nó buồn cười ở chỗ, có những người khi còn đứng trên bục giảng thì ….cũng mang căn bệnh này nặng đến mức “hết thuốc chữa” thế nhưng khi về hưu, chính họ lại phàn nàn, ra chiều suy tư trăn trở lắm cho giáo dục, bởi vậy xã hội biết đâu mà lần, mà đo lường…..

Lúa chỉ có một suy nghĩ thế này thôi, muốn nền giáo dục tốt đẹp, nhân văn thì phải “chịu đau” để cắt bỏ cái khối u giả dối đang lớn dần trong cơ thể. Đau đấy, đụng chạm đấy nhưng sau đó chúng ta sẽ có một “cơ thể khỏe mạnh” không còn chịu những cơn đau hành hạ từng ngày từng giờ và quan trọng hơn là thoát được cái chết của tử thần, vì giáo dục là căn rễ của mọi vấn đề trong xã hội, nó liên quan đến chính con người là chủ thể của xã hội.

Các bác đừng tưởng cứ học sinh thì thích được khen. Một lời khen đúng sẽ có tác dụng khích lệ động viên, thế nhưng một lời khen sai thì nó sẽ dẫn đến hai khả năng, hoặc là học sinh sẽ chủ quan vì “quá đơn giản để có được lời khen” hoặc chúng sẽ xấu hổ hay mặc cảm vì tự nhận thấy lời khen giống như một lời nói dối.

Đừng tưởng học sinh không biết gì về bệnh thành tích của các thầy các cô của chúng. Lúa vô tình nghe lỏm được một cậu học sinh lớp 9 đã nói với bạn rằng “ôi thôi, tớ học cỡ đó chứ tệ hơn nữa cũng không sao hết vì tớ mà không được thi tốt nghiệp thì cô cũng bị khiển trách, nhà trường mất thi đua, mà cho tớ lên cấp 3 rồi thì nhà trường đâu còn liên quan tới tớ nữa đâu…..” Có lẽ lời bộc bạch rất thật kia không khỏi khiến cho những ai còn lương tâm giật mình.

Thằng cu con nhà Lúa, năm nay 9 tuổi vừa nhập học vào lớp bốn. Công bằng mà nhận xét, “hắn” khá thông minh, óc quan sát tốt. Hắn chơi cờ từ hồi 5 tuổi, hiện nay hắn là “cây cờ chủ lực” trong độ tuổi U9 của đội tuyển cờ vua cấp thành phố, mỗi tháng lương hơn hai triệu đồng, đợt hội khoẻ phù đổng vừa rồi hắn ẵm một huy chương đồng. Đi học, hắn luôn làm lớp trưởng, tính khá đằm và được các thầy cô khen là sáng dạ. Có lẽ mọi vấn đề đều được hắn “mổ xẻ” theo thói quen trong chiến thuật nước cờ. Vì vậy mà ngay từ hồi lớp hai, khi đó hắn mới học bảng cửa chương 4, trong một lần nói chuyện với bạn cờ, hắn đã đố các bạn là “đố các bạn 9 nhân với 9 bằng mấy?” các bạn bảo, chưa học chưa biết, hắn nói luôn, “này nhé, 1 nhân 9 thì mình lấy 1 nhân với 10 bằng 10, sau đó mình trừ đi 1; 2 nhân với chín mình lấy 2 nhân với 10 bằng 20 rồi trừ đi 2; 3 nhân với 9 bằng 3 nhân với 10 bằng 30 rồi mình trừ đi 3. Vậy 9 nhân với 9 sẽ bằng 9 nhân với 10 bằng 90 rồi trừ đi 9 bằng 81” Cả nhóm ồ lên “ừ hén”. Thế nhưng sau đó Lúa hỏi, “thế 9 nhân với 7 bằng mấy?” hắn lại không trả lời được. Suy nghĩ một chút hắn bảo “con sẽ lấy 7 nhân với 9 vì phép nhân có tính giao hoán. 7 nhân với 9 sẽ bằng 7 nhân với 10 bằng 70 rồi trừ đi 7 sẽ bằng 63” .

Hắn hơi “cá biệt” một chút nhưng cũng chưa phải là rất thông minh. Có một chuyện thế này xin chia xẻ để các bác cho cảm nhận.

Thứ bảy vừa rồi, thường là ngày hắn được nghỉ. Thế nhưng hôm đó thay vì được đi đá banh và đi hồ bơi, hắn phải vào lớp buổi sáng học một buổi học đặc biệt (hỏi ra thì là kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh đầu năm, đại loại là thế và có giáo viên khác dự giờ). Lớp hắn có 45 học sinh nhưng cô chỉ chọn 18 bạn phải có mặt. Tất nhiên là lớp trưởng nên hắn không thể nằm ngoài danh sách. Những buổi sáng đi học, hắn dạy sớm, quần áo cặp sách chỉnh tề, vui vẻ đến trường với ông. Thế nhưng sáng thứ bảy vừa rồi, hắn phụng phịu, ngáp dài ngáp ngắn rồi ra vẻ bậm bực lắm. Tối về hắn bị ông mắng vốn với mẹ, “hôm nay thằng MT bị cô méc là không tích cực, cứ lầm lì, có vẻ như nó có chuyện gì ấy, không tích cực giơ tay phát biểu trong khi có bao nhiêu thầy cô dự giờ”. Đợi cho ông kể tội một thôi một hồi, tới khi ông đi xuống nhà dưới, Lúa hỏi nhẹ nhàng “con sao vậy? Hôm nay con mệt à? Nếu hôm nay không đi đá bóng thì mai con đi đá bù cho hôm nay….” Bản tính khá đầm, hắn vẫn im lặng. Lúa lại “cởi mở”, thế con giận mẹ à?….hắn thở hắt ra một cái rồi phân trần

“Mẹ biết không, cô bảo 18 bạn đi học buổi sáng thứ bảy, vào đó học lại mấy cái bài mà cô đã dạy rồi. Cô dặn cô giơ tay phát biểu, nhưng toàn là những câu hỏi và câu trả lời mà các bạn đều được học trước, biết trước. Nói những cái ai cũng biết rồi thì có gì đâu mà giỏi, vậy mà cô cũng khen con giỏi nên con chán” Im lặng một lúc rồi hắn nói tiếp “con chẳng muốn tới mấy cái buổi như thế, thà đi đá banh còn thích hơn. Năm lớp ba cũng mấy lần như vậy”…. “con không giơ tay thì cô lại nhìn con….nhiều lúc con muốn trả lời sai đi xem cô có phạt con không…”

À, ra thế, hắn đã biết “nói những cái ai cũng biết” những cái đã được học rồi biết rồi thì “đâu có gì mà giỏi” nên hắn “chán”. Ý tưởng nổi loạn là “con muốn trả lời sai xem cô có phạt con không”. Hóa ra, cô khen hắn giỏi nhưng hắn đâu có thích được khen, vì lời khen đó không xứng đáng. Cái đầu của hắn còn non lắm nên chắc chưa có khái niệm về “bệnh thành tích”. Mẹ Lúa muốn nói với hắn là “đó chính là bệnh thành tích đấy chàng trai của mẹ ạ” nó ngọt ngào như một viên thuốc độc bọc đường nhưng khi trôi vào bụng rồi nó sẽ có sức tàn phá ghê gớm mọi nội quan, làm đảo lộn mọi thành quả của giáo dục. Nói đúng hơn nó chính là kẻ thù của nền giáo dục đấy, chàng trai trẻ ạ.

Vậy thì, hỡi các thầy các cô ơi, đấy là lời tâm sự của một thằng bé lớp 4 đấy nhé. Đừng nghĩ chúng nó bé thì thích được khen, “diễn trò” là chúng nó “phụ họa ” theo, hay nói cái gì chúng nghe cái đấy. Bọn nhóc này cũng đáo để lắm. Hãy coi chừng.

http://hailuablog.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét